Người xưa thường nói “có tật có tài”. Là “dị nhân” nuôi móng tay cả mấy chục năm không cắt, nhiều người cho rằng ông Lưu Công Huyền (57 tuổi, xóm 4, xã Giao Yến, Giao Thủy, Nam Định) thuộc tuýp gàn dở.
Trong con người ông có máu nghệ sĩ, lang thang khắp nơi vẽ vời nên kết giao được với nhiều bạn bè. Đến đâu, ông Huyền cũng cố thuyết giảng về thú chơi móng tay với sự cầu kỳ hiếm có. Vì thế, với ông, để móng tay dài không đơn thuần chỉ là thú vui.
Từ khi còn nhỏ, cậu bé Huyền đã có biệt tài hội họa. Học lớp 2 trường làng, cậu đã có thể vẽ được bất cứ thứ gì theo mẫu. Bức vẽ đầu tiên mà Huyền thực hiện trước sự bất ngờ của gia đình là chân dung người cha đang ngồi uống rượu.
Huyền lấy nhọ nồi vẽ cảnh người cha đang uống rượu, ông bố thấy con có khiếu hội họa, muốn cho học hành tử tế để thành tài, ngặt một nỗi nhà nghèo nên đành bất lực. Ngoài ra, việc thêu thùa, đắp tượng cũng được cậu bé Huyền thực hiện rất thành thục, giống như một nghệ nhân đầy kinh nghiệm.
Lạ một điều là tất cả những công việc ấy tự tay Huyền làm mà không phải qua đào tạo bất kỳ trường lớp nào. Lớn lên một chút, Huyền đi làm MC đám cưới và được nhiều người yêu thích. Chỉ cần nhắc tới Huyền “móng” là cả huyện Giao Thủy ai cũng nhớ đến người đàn ông kỳ dị cùng những tài hoa.
Vốn là con trai thầy đồ nên ông Huyền cũng rất giỏi chữ nho và thư pháp. Hiện nay, công việc chính của ông Huyền là vẽ hoa văn cho đình, đền, miếu mạo và các nhà thờ ở địa phương. Ông cũng là tổ trưởng của một nhóm các họa sĩ tài ba đất thành Nam.
Ông rất chăm chút vào tác phẩm, nên những bộ tứ linh (long ly quy phượng) do ông chế tác bao giờ cũng có những khúc uốn lượn rất có hồn, có thần thái và đẹp lộng lẫy lạ thường, vì thế, ngày càng có nhiều khách tìm đến.
Những chuyến đi xa cũng từ đấy ngày một nhiều lên. Tiền công ông kiếm được vì thế được nâng lên, gia đình có cơ may cải thiện cuộc sống. Có chút tiền, ông bà dành cho các con ăn học bằng bạn bằng bè. Như biết công lao bố mẹ mà các con ông ai cũng học giỏi.
Danh tiếng “dị nhân” có móng tay dài, lại có tài hoa hơn người chẳng mấy chốc lan truyền ra cả làng, cả huyện, rồi ra đến tỉnh ngoài và cơ hội thể hiện tài năng của ông nhiều hơn, đơn đặt hàng cũng nhiều hơn…
Thực ra, có nhiều lần, bà Thuận đã khuyên chồng nên cắt móng tay đi để tránh những bất tiện, nhưng ông khăng khăng không chịu cắt. Với lại, ông mà để móng tay thì dường như không ốm, không đau bao giờ, chỉ cần khéo léo một chút là mọi việc sẽ hoàn thành.
Bây giờ, ông Huyền trở nên yêu cái nghiệp vẽ vời của mình hơn, ông như chìm vào trong mỗi bức họa, mỗi hình tượng. Ông làm việc nhiều gấp 2-3 lần những người bình thường, vì vậy tiền công của ông vì thế cũng tăng lên và thường dao động ở mức 500.000 - 1 triệu đồng/ngày công.
Ông Đỗ Văn Tâm (60 tuổi, người địa phương) cho biết: “Ông Huyền tuy có sở thích quái dị là suốt 30 năm nuôi bộ "móng tay quỷ", nhưng ngược lại ông ấy là người hiền lành, dễ gần và vẽ đẹp, đúc tượng thì không ai bằng. Vì vậy mà nhiều người thuê lắm, vợ chồng ông ấy luôn tay luôn chân đi làm suốt ngày, chả mấy khi ở nhà…”.
Không chỉ nổi tiếng về sở thích kỳ dị của mình, mà tài hoa từ mỗi nét bút uốn lượn trong ông Huyền cũng được nhiều đệ tử thán phục và theo học.
Nhưng ông không truyền nghề “à uôm” mà chỉ chọn một số thợ phụ đi theo, sau đó chỉ bảo dần. Ông tâm sự: “Hiện nay, tôi đang truyền nghề cho cậu con trai thứ hai tên là Lưu Công Luyện (SN 1984).
Mặc dù không học hành được như các anh, chị ruột của mình, nhưng Luyện lại tỏ ra là người có năng khiếu trong hội họa và có ý muốn theo “nghiệp” cha, vì vậy tôi đang dốc lòng truyền nghề cho con…”.
Ngôi nhà hai tầng do chính công sức của hai vợ chồng ông gây dựng nên. |
Năm 1978, ông Huyền vào bộ đội. Tại đây, ông gặp lại cô thôn nữ Nguyễn Thị Thuận, vốn là người cùng làng, trước khi nhập ngũ đã đem lòng yêu mến. Nhưng vì lúc ấy còn là học sinh nên bà Thuận chưa thể nhận lời, sau đó, cả hai cùng tòng quân ra trận.
Họ hẹn ngày đính ước, sau này khi trở về nếu cả hai còn nguyên vẹn sẽ tổ chức kết hôn. Tình yêu nảy nở trong bom đạn là sợi chỉ may mắn cho ông bà gặp nhau ngày đoàn tụ.
Năm 1980, cùng xuất ngũ khi chiến trường biên giới Tây Nam kết thúc, một đám cưới giản đơn với sự có mặt của hai bên gia đình, bạn bè và anh em lối xóm đã diễn ra.
Từ đó, chàng trai thư sinh với thân hình mảnh khảnh bắt đầu lao vào cuộc sống mưu sinh với bộn bề gian nan vất vả. Ông Huyền bắt tay vào công việc phát huy sở trường của mình là vẽ hình và đắp tượng.
Thời gian đầu, ngày công rẻ mạt lắm, lại ít khách, nên cũng chỉ đủ để vợ chồng rau cháo qua ngày. Cuộc sống hai vợ chồng chủ yếu nhờ vào nghề của ông, vì vợ ông chỉ quẩn quanh với ít sào ruộng. Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời càng làm cho cuộc sống gia đình thêm phần vất vả hơn.
Dẫu cuộc sống khó khăn, ông bà vẫn cho các con ăn học, trưởng thành. Ba người học đại học, cô con gái đầu học quản trị kinh doanh, hai cậu con trai (thứ 3 và thứ 4) đều học ngành xây dựng.
Duy chỉ có cậu con trai thứ 2 là học ít hơn, nhưng lại có năng khiếu hội họa nên đang theo bố học nghề, nay cũng đã thành thạo các thao tác cơ bản, có thể nhận việc để tự làm rồi.
Hôm chúng tôi đến nhà, cậu con trai thứ đang làm công trình ở tỉnh Thái Bình. “Cuộc sống của chúng tôi trước đây vất vả lắm, nhưng nay đã đỡ hơn nhiều rồi. Cũng tính sẽ bỏ bớt ruộng để hai vợ chồng vừa đi làm vừa "ngao du sơn thủy" cho vui, vậy mà…”, ông Huyền chậm rãi nói.
Ông Nguyễn Viết Thạch (60 tuổi) hàng xóm của ông Huyền cho biết: “Hai vợ chồng nhà ấy sống rất hạnh phúc, tuy người chồng ngay đến công việc vệ sinh, tắm rửa cũng phải nhờ vợ, nhưng bù lại, ông ấy làm việc chăm chỉ, đã nhận việc rồi thì làm đâu ra đấy… Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình ấy lúc nào cũng không ngớt tiếng cười đùa vui vẻ, nhìn vào ai cũng ao ước…!”.