Con đường khả quan

GD&TĐ - Thông tin mới nhất cho biết, các nhân sự thủ lĩnh Taliban sẽ gặp gỡ đoàn cấp cao của Chính phủ Afghanistan tại Qatar để khởi động lại tiến trình hòa bình, có thể vào ngày 16/7 tới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có lẽ đây là hướng đi khả quan nhất cho Afghanistan khi Mỹ rút quân hoàn toàn.

Theo AP, dẫn đầu đoàn đàm phán về phía chính phủ là Chủ tịch Hội đồng hòa giải Afghanistan Abdullah Abdullah. Cựu Tổng thống Hamid Karzai cũng sẽ có mặt trong đoàn. Cuộc đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực gia tăng ở Afghanistan kể từ khi Mỹ thỏa thuận với Taliban sẽ rút quân.

Ông Karzai đã kêu gọi chính phủ không bỏ lỡ cơ hội để thúc đẩy hòa bình, bình đẳng xã hội. Còn về phía Taliban, tuần trước thủ lĩnh nhóm này nói rằng, muốn tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.

Đàm phán hòa bình là một tin tức khả quan trong bối cảnh hiện nay. Sau 20 năm chiến sự kể từ cuộc tấn công chống khủng bố của Mỹ, phía Mỹ dẹp được nhóm khủng bố Al-Qaeda nhưng Taliban lại nổi lên và ngày càng mạnh hơn.

Đất nước Afghanistan tan hoang, đường xá bị phá hủy, điện phập phù, còn nhiều người dân không hiểu những cam kết chống khủng bố, tái thiết Afghanistan ra sao và tại sao người dân bị bỏ rơi.

Tương lai Afghanistan trở nên mong manh và không ít người phản đối quyết định Mỹ rút quân, do lo ngại những đe dọa an ninh từ Taliban đối với khu vực, cũng như những nguy cơ khi người dân Afghanistan phải sống dưới sự cai trị hà khắc của Taliban.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn thúc đẩy quyết định rút quân. Lính Mỹ và NATO bắt đầu ra khỏi Afghanistan từ tháng Tư và sẽ dự kiến sẽ hoàn thành vào 31/8, sớm hơn thời hạn đề ra ban đầu là 11/9. Ông Biden cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Afghanistan là đúng đắn cả với chính nước Mỹ cả với Afghanistan.

Mới tuần trước, ông Biden lên tiếng: “Hãy hỏi những người muốn ở lại: Sẽ có bao nhiêu nghìn người con của nước Mỹ mà các vị muốn họ đánh cược mạng sống? Họ sẽ phải ở đó bao nhiêu lâu nữa?”. Nhấn mạnh rằng, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng 2.448 người Mỹ, làm hơn 20.700 nguời Mỹ khác bị thương, ông Biden nói ông sẽ không đẩy một thế hệ người Mỹ nữa dấn vào cuộc chiến đã 2 thập kỷ.

Về an ninh, ông Biden nói rằng, Mỹ đã đạt được mục đích ban đầu của họ khi tấn công Afghanistan năm 2001: Nhổ được tận gốc nhóm khủng bố Al-Qaeda để ngăn chặn một cuộc tấn công khác vào nước Mỹ như vụ 11/9. Chủ mưu vụ tấn công, thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden đã bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt ở Pakistan năm 2011.

Về tương lai Afghanistan, ông Biden nói rằng, người dân Afghanistan phải tự quyết định tương lai của họ. Đó chính là điều mà Taliban mong muốn. Phía Taliban đã hoan nghênh tuyên bố của ông Biden: “Bất kỳ ngày nào, giờ nào mà Mỹ và quân đội nước ngoài rời đi sớm hơn thì đó là một bước đi tích cực” – người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen nói. Suhail cũng sẽ có mặt trong đàm phán ở Qatar tuần này.

Trước đàm phán, Taliban liên tiếp giành ưu thế ở Afghanistan. Hôm 13/7, lực lượng này chiếm quyền kiểm soát một cửa khẩu quan trọng với Pakistan – cửa khẩu Wesh lớn thứ hai của nước này và là điểm kết nối chính giữa miền Tây Nam Afghanistan với các cảng biển của Pakistan.

Đây được xem là mục tiêu chiến lược nhất mà Taliban giành được cho đến nay khi mở rộng kiểm soát trong lúc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Gần đây, Taliban cũng đã chiếm được một số cửa khẩu khác với Tajikistan, Uzbekistan, Iran và từ đó Taliban đã có thêm nguồn thu tuy chưa rõ bao nhiêu.

Cuối tuần trước, Taliban tuyên bố đã giành quyền kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan mặc dù chưa thể xác nhận thông tin này. Không thể phủ nhận rằng, Taliban đang trên đà thắng lợi, còn lực lượng an ninh và phòng vệ của chính phủ đang suy yếu.

Nhiều vùng đất rơi vào tay Taliban mà không có chiến sự. Tuần trước, Taliban dồn hàng trăm lính Afghanistan phải chạy qua biên giới sang nước láng giềng Tajikistan.

Mục đích của Taliban là binh lính nước ngoài rút quân, chính phủ ủng hộ Mỹ phải bị hạ bệ. Cho đến giờ, Taliban đã đạt được mục tiêu của họ. Vì thế, việc lực lượng này đồng ý khởi động lại đàm phán hòa bình có thể là con đường đúng nhất để tìm ra một giải pháp cho Afghanistan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.