Con đường đến trái tim học sinh cá biệt

GD&TĐ - Cô giáo Đặng Thị Mai Thủy (Trường THPT Vĩnh Thạnh, Bình Định) chia sẻ những bài học tâm huyết về công tác chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Học sinh cá biệt thường không thích áp đặt

Với giáo viên nào cũng vậy, khi gặp phải đối tượng học sinh hiếu động, không thích vào khuôn khổ nội quy, lại học yếu là việc cực kì khó khăn trong công tác chủ nhiệm.

Trong tình huống này, trước hết, người thầy chủ nhiệm phải thực sự có cái tâm của nghề giáo. Đây là cơ sở quan trọng để người thầy toàn tâm toàn ý giáo dục học sinh của mình.

Người giáo viên trong trường học phải thực sự là những nhà tâm lí, nắm bắt tâm tư tình cảm của học sinh và đặc biệt phải biết lắng nghe. Đừng chỉ là một “giáo viên” đơn thuần!

Gần gũi, trao đổi suy nghĩ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng học sinh là tạo nên sự thân thiện cần thiết, là nền tảng để người giáo viên chủ nhiệm thực hiện được những cách thức giáo dục học sinh của mình.

Những học sinh cá biệt thường không thích bị áp đặt, bị buộc vào khuôn khổ. Giáo viên chỉ có thể giáo dục được các em bằng con đường tình cảm, bằng sự chân thành của bản thân.

Khi học sinh vi phạm, người giáo viên cần nắm bắt những thông tin theo các chiều hướng khác nhau: giám thị, giáo viên bộ môn, bạn bè, từ chính bản thân học sinh…Đó là cơ sở giáo viên dựa vào để định hướng, điều khiển, điều chỉnh hành vi đúng đắn cho học sinh.

Mặt khác phải tạo được dư luận tập thể tích cực, tạo bầu không khí tâm lý lành mạnh trong lớp chủ nhiệm để giáo dục nhân cách học sinh.

“Bản thân là người thầy, tôi không cần che giấu tình cảm của mình với các em. Tôi tâm niệm một điều, mình phải vừa là người thầy nhưng tùy tình huống sư phạm, mình phải đóng vai là cha, là mẹ, là bạn của các em để khuyên nhủ, dạy dỗ.

Nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó nếu các em mắc sai lầm cần phải phê bình, kiểm điểm. Cũng không được thiên vị đối với những thành viên tích cực trong lớp nếu như chúng mắc phải sai lầm. Đối xử thân thiện nhưng phải nghiêm khắc. Đó là nguyên tắc giáo dục hiệu quả nhất” - Cô Thủy tâm sự.

Biết kiềm chế cơn nóng giận

Bản thân người thầy trong công tác chủ nhiệm cần phải biết kiềm chế những cơn nóng giận của mình khi có học sinh vi phạm. Luôn bình tĩnh trong mọi tình huống cho dù xấu nhất.

Có thể nhiều giáo viên sẽ bị stress khi chủ nhiệm lớp học mà có quá nhiều học sinh cá biệt, ngày nào cũng bị thầy cô, giám thi “kể tội” học trò của mình… 

Cách thức hữu hiệu để giảm stress là nên tìm đến đồng nghiệp, người thân tìm sự chia sẻ, hoặc giải trí một số trò chơi lành mạnh như nghe nhạc, chơi thể thao…

Cũng đừng bao giờ để bụng những lỗi lầm của học sinh, đừng vội nhìn thấy hiện tượng mà đánh giá học sinh của mình chưa tốt. Hãy cố phát hiện những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó.

Điều này sẽ giúp các em phát huy được điểm mạnh của mình, góp phần vào xây dựng tập thể vững mạnh mà còn hình thành ở các em phẩm chất tự tin, kiên định trước tập thể, khẳng định được khả năng của mình.

Với học sinh cá biệt, thường là các em học rất yếu vì hổng kiến thức, vì ham chơi hơn ham học, vì bị bạn bè xấu lôi kéo,…

Trước khó khăn đó, người thầy phải chịu khó, kiên trì nhắc nhở, dỗ dành các em, phân tích chí tình chí lí, đưa ra mọi tình huống nếu các em không theo kịp bạn bè. 

Thậm chí, đôi lúc phải “khích” các em, chạm vào lòng tự trọng vốn có của tuổi mới lớn để các em thay đổi hành vi, thái độ theo chiều hướng tích cực.

Phối hợp chặt chẽ với gia đình

Điều quan trọng trong công tác chủ nhiệm là giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong giáo dục các em.

Cơ sở pháp lí đã được nói tới nhiều ở phương pháp giáo dục này, nhưng thực tế cần có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nhuần nhuyễn thì mới đạt được hiệu quả cao trong giáo dục đạo đức học sinh.

Với cô Thủy, bài học kinh nghiệm quý nhất trong phương pháp này là khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh cá biệt cần tránh cho họ sự tổn thương cần thiết.

Những học sinh cá biệt thường có hoàn cảnh sống đặc biệt, do gia đình mâu thuẫn, cha mẹ thường cãi vã, hoặc là do các em thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ; cũng có thể là do cha mẹ quá nuông chiều… và muôn ngàn lí do khác.

Nhưng điều phụ huynh quan tâm nhất, mong muốn nhất là con em của mình được học hành đến nơi đến chốn, vượt qua mọi kì thi, mặc dù các bậc phụ huynh rất biết khả năng của con em mình.

Mặt khác, cha mẹ luôn coi con cái của mình là vốn quý, cho dù chúng hư hỏng, khó dạy bảo… Cho nên khi nghe tin có giáo viên đến nhà thăm, hay điện thoại báo tin là bản thân họ không muốn tiếp, không muốn nghe.

Và nếu có tiếp thầy, cô, có nghe điện thoại thì cũng với thái độ bực dọc, thậm chí bất cần, vì mấy ai thích nghe người khác kể tội con mình.

Vì vậy để đảm bảo cho công tác giáo dục, khi tiếp xúc với phụ huynh (họp phụ huynh chung, cả gặp riêng từng người…), giáo viên nên đặt vị trí của mình vào trong suy nghĩ, tình cảm của cha mẹ các em, phân tích, lí giải thiệt hơn; cố gắng tìm hiểu những khó khăn của các bậc phụ huynh trong vệc quản lí, dạy dỗ con em mình để cùng nhau tìm biện pháp giáo dục tốt nhất.

Thường xuyên liên lạc, chịu khó thông tin kịp thời về những hành vi tích cực để động viên các em; thông tin những hành vi sai trái của các em để nhanh chóng khắc phục.

“Kết quả của những việc làm này là tôi đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ tiết, vắng học không lí do, vi phạm nội quy khác, và quan trọng hơn nữa là các bậc phụ huynh đã tin tưởng vào người giáo viên chủ nhiệm là tôi” - Cô Thủy bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ