Con dễ vô kỷ luật nếu cha mẹ không tôn trọng giáo viên

Một số phụ huynh than phiền dù họ đã dạy con rất đúng nhưng con vẫn không ổn, thậm chí có những biểu hiện đáng lo ngại như phá kỷ luật lớp, không chịu học tập…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi nghĩ, phụ huynh có thể đã không nhận ra trong hành vi này của trẻ họ có vai trò rất lớn. Bởi phụ huynh đôi khi đã vô tình cổ vũ cho thái độ chống đối giáo viên của con.

Tôi vẫn còn nhớ trường hợp một học sinh được cha mẹ thuê gia sư khi bé bắt đầu lên cấp 2. Bạn ấy lập tức tỏ thái độ không hợp tác. Cha mẹ cảm thấy cô giáo này không đủ khả năng dạy dỗ con họ và vội vàng tìm người khác. 

Việc thay gia sư chỉ dừng lại khi bạn nhỏ có một anh gia sư tâm đầu ý hợp. Vì cùng là con trai, hai thầy trò chia sẻ với nhau nhiều thứ. Tuy nhiên, cậu học sinh không có chút tiến bộ nào về học tập. Không những thế, cha mẹ bắt đầu thấy con trai xuất hiện một số biểu hiện không tốt như hỗn láo với thầy cô giáo ở lớp.

Phân tích kỹ, ta thấy cậu bé này đã có quyền lựa chọn giáo viên cho chính mình, và cậu lựa chọn người có thể buôn chuyện hoặc làm việc gì đó mà cậu thích thay vì học. Việc học diễn ra khi cậu cảm thấy thoải mái. 

Điều này đồng nghĩa với việc cậu cảm thấy giáo viên không phải là những người đáng tôn trọng. Miễn là có tiền, cậu có quyền lựa chọn giáo viên. Nếu thầy giáo rẻ mạt đến mức con có thể lựa chọn theo ý thích như vậy thì với bé, con chữ cũng không có giá trị lắm. Chẳng qua tại vì bố mẹ bắt học, tại vì cả thiên hạ ai cũng học nên đi học thôi.

Vì thế, việc cậu bé tỏ thái độ thiếu tôn trọng giáo viên ở trường là hoàn toàn có thể. Nếu suy nghĩ thầy cô giáo chỉ là những người làm thuê cho những người có tiền thì chính chúng ta đã hủy hoại con mình. 

Khi cha mẹ tỏ thái độ thiếu tôn trọng giáo viên thì ngay lập tức con trẻ cũng sẽ học được điều đó. Từ đó, trẻ sẽ suy nghĩ và hành động ngang ngược.

Tôi cũng hay nhận được nhiều câu hỏi rằng nếu cô dạy không hay, nếu cô không tốt... thì cha mẹ phải làm gì. Tôi cảm thấy dường như các cha mẹ đã quá lo lắng. 

Chúng ta có lẽ ai cũng từng phải học những giáo viên dạy như ru ngủ nhưng có ai dám chắc chắn là mình tuyệt đối không học được gì ở những người giáo viên đó không? Không ít người cũng đã có tuổi thơ bị giáo viên trù dập nhưng chúng ta vẫn lớn, vẫn trưởng thành và phần nào đó là mạnh mẽ.

Khó khăn là để thử thách những người dũng cảm, giỏi giang và mạnh mẽ. Nếu không có khó khăn, liệu con trẻ có trở nên mạnh mẽ không? Một đứa trẻ ăn mặc phong phanh từ tấm bé, lớn lên sẽ có khả năng chịu rét rất giỏi. 

Một đứa bé sinh ra và lớn lên trong phòng kín gió, ấm áp, quần áo đầy đủ, thì lại rất hay ốm đau, bệnh tật. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt kì lạ này? Đó là bởi vì sự trải nghiệm của hai trẻ là khác nhau.

Cuộc sống cũng vậy. Nếu vượt qua những giờ học buồn ngủ của một giáo viên nào đó mà con vẫn thu lượm được kiến thức thì chắc chắn con sẽ biết cách thu lượm kiến thức qua mọi kênh. 

Nếu con vượt qua được những tiết học mà con không thích thú thì về sau con sẽ có sức đề kháng với các công việc nhàm chán, không thoải mái.

Một số phụ huynh quy kết oán trách thầy cô giáo của con mình vì những hành vi nho nhỏ của thầy cô mà cha mẹ không ưa. Những hành vi đó chính cha mẹ ở nhà cũng hành xử với con suốt, nhưng cha mẹ lại không chịu nổi khi thấy cô giáo làm như vậy. 

Điều này khiến các cha mẹ bức xúc và có những can thiệp khá thô bạo vào việc dạy và học ở trường.

Các cha mẹ lưu ý một chút, thầy cô giáo cũng là người và họ làm một công việc đặc biệt là dạy học. Ngoài công việc, họ cũng như tất cả những người khác. Bản thân khi đi học và đi dạy, cũng có người giỏi và người kém. Yêu cầu giáo viên phải hoàn hảo là điều không thể.

Hành vi can thiệp vào những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt xảy ra trong trường của các phụ huynh sẽ làm giáo viên thêm khổ sở và bị tổn thương, nhưng họ không thể vứt bỏ lớp học và học sinh của mình đi được, họ vẫn phải tiếp tục công việc. Dạy học với tâm trạng ức chế rõ ràng là điều không tốt cho cả học sinh và giáo viên.

Ngoài ra, việc cha mẹ không tôn trọng giờ học của con ở trường cũng sẽ tạo ra thói quen thiếu tôn trọng giáo viên của trẻ. Nhiều cháu đã dọa thầy cô giáo: “Cô làm thế, em sẽ mách bố mẹ em”.

Chưa kể, chính bọn trẻ sẽ bất hợp tác, suy nghĩ sai lệch về thầy cô, phá lớp, phá trường. Vì thế, cha mẹ hãy tự cân nhắc xem, những can thiệp quá sâu của mình vào giờ học của trẻ trên lớp thật sự đem lại điều gì cho con.

Nếu cha mẹ luôn cân nhắc việc lựa chọn gia sư, lựa chọn trường lớp, thông qua các lời phàn nàn của con thì vô hình chung, cha mẹ đã trao quyền đó cho chính con. N

ếu mọi thứ đều tuân theo ý thích của trẻ thì rõ ràng trẻ sẽ không thể phát triển tốt. Sau này ra đời, chắc chắn trẻ sẽ gặp vô vàn thứ mà chúng không thích và chúng sẽ không thể vượt qua được những khó khăn dù chỉ là nhỏ nhất.

Khi con còn bé, nuông chiều con bỏ qua một lớp học mà con không thích, đổi một gia sư hơi buồn tẻ là rất dễ. Có điều, khi con lên cấp 2, cha mẹ sẽ phải đối mặt với việc con sẵn sàng nghỉ học chính khóa vì… con không thích. Không những thế, con sẽ sẵn sàng từ chối vô cùng nhiều những công việc con buộc phải làm. Đến khi đó, chắc chắn các cha mẹ sẽ phải khổ sở rất nhiều.

Nếu con không vượt qua những khó khăn thời tiểu học, lên cấp 2, khi thất bại, con lại một lần nữa không thể vượt qua và tụt dốc. Đến lúc này, giúp con không đơn giản. 

Ai sinh con ra cũng thương con rất nhiều nhưng nếu vì thương con, nâng đỡ con, trải đệm êm cho con bước thì chúng ta đã làm con yếu đuối đi rất nhiều và sẽ khiến con gặp thất bại trong tương lai.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.