Đôi trẻ hồn nhiên bước vào hôn nhân với cùng một ý nghĩ: Con đường phía trước thênh thang lắm, chỉ cần có nhau, họ sẽ có tất cả. Tất nhiên, với công việc chân tay quen thuộc, không quá khó khăn để Bích và Năm tự thiết kế một cuộc sống tạm ổn, nhưng khi những đứa trẻ lần lượt ra đời, họ thấy chông chênh vô cùng.
Cũng vì nghĩ cho tương lai con cái, Bích và Năm quyết tâm đi làm ăn xa. Thóc - đứa con lớn gửi bên nội chăm sóc, Gạo - đứa nhỏ gửi bên ngoại. Bà Lựu – mẹ Bích tuy đã nhiều tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, bà chẳng nề hà khi nhận nhiệm vụ trông cháu ngoại.
Bà còn bảo: “Hai đứa cứ yên tâm làm việc, mẹ sẽ chăm sóc cái Gạo thật tốt”. Ông nội Thóc cũng hứa hẹn: “Ta sẽ dạy thằng Thóc nên người”.
Bích luôn cảm thấy có lỗi với bọn trẻ nhưng cũng rất an tâm khi chúng được ông bà nội ngoại hết mực yêu thương. Mỗi tuần cô đều gọi điện về hỏi han tình bọn trẻ.
2 tuần đầu tiên mọi chuyện có vẻ êm xuôi, nhưng từ tuần thứ 3 trở đi, mẹ Bích không ngừng ca thán: “Vợ chồng mày nghĩ cách gì đi chứ, mẹ thấy thương thằng Thóc vô cùng”.
Tưởng Thóc bị ốm, giọng Bích run rẩy: “Sao… vậy… mẹ? Ở nhà có chuyện gì mẹ phải kể hết nhé, đừng giấu con”. Bà Lựu thở dài: “Haiz, thì mẹ đang kể đây, rất sống động và chân thực nhé. Hôm qua mẹ có việc tạt sang bên ông nội Thóc thì thấy thằng cháu mình đang đứng khóc ngoài cổng, mẹ hỏi thì nó bảo nó bị mấy đứa anh họ bắt nạt.
Mẹ tức quá, chạy vào nhà định hỏi chuyện thì thấy ông nội Thóc đang đánh chén ngon lành cùng những đứa kia. Ông ta chạy ra phân bua rằng vợ chồng con gửi tiền mua thức ăn không đủ nên chúng nó mới tranh cướp nhau, thằng Thóc bé nhất, không đánh lại được bọn kia”.
Nghe đến đây, Bích cũng tức ngùn ngụt: “Eo ơi, con gửi tiền về để ông nội mua thức ăn cho thằng Thóc chứ có phải nuôi cả mấy đứa kia đâu, bố mẹ chúng vẫn khỏe mạnh, vẫn đi làm được cơ mà”. Bà Lựu chốt một câu: “Mẹ chán lắm rồi, vợ chồng mày về mà giải quyết”.
Chưa chờ được đến ngày Bích về, bà Lựu liên tục bị thông gia làm phiền. Một hôm ông ta dắt Thóc sang nhà bà, trình bày: “Thằng này bị sốt mãi không khỏi, bà đưa nó lên bệnh viện thành phố khám hộ tôi với, tôi chả biết đường xá thế nào cả”.
Không kịp phàn nàn thói vô trách nhiệm của thông gia, xót cháu, bà Lựu dắt Thóc ra bến xe buýt ngay lập tức.
Sau vài ngày uống thuốc, Thóc đã hết sốt nhưng vẫn rất xanh xao, Bích gọi về hỏi thăm, bao nhiêu bức xúc, ấm ức trong người, bà Lựu trút hết lên con gái: “Đấy, thằng bé ốm, ông ta không thèm ngó ngàng… Tiền con gửi về đều đặn hàng tháng, nhưng ông ta không chịu mua thức ăn cho thằng bé, nó gầy lắm rồi”.
Bích cố gắng mạnh mẽ để trấn an bà Lựu: “Mẹ giúp con chăm sóc thằng bé, mua sữa và thịt cho nó ăn mẹ nhé, khi nào được nghỉ phép con sẽ về gửi tiền mẹ sau vậy”.
Nghe con gái nói thế, bà Lựu càng bức xúc: “Nó là cháu mẹ, mẹ chẳng tính toán gì cả, nhưng mẹ chỉ có thể chăm nó vài ngày thôi, còn con Gạo nữa, mẹ không thể cáng đáng hết được. Vợ chồng con phải nghĩ cách đi chứ”.
Nghe lời mẹ, Bích gọi cho bố chồng, giả vờ hỏi: “Bố ơi, Thóc có nhà không ạ, bố cho con nói chuyện với cháu một tí”. Thái độ của bố chồng như không có chuyện gì: “Nó không có nhà đâu con ạ, bà ngoại nhớ nó quá nên đón nó sang bên kia chơi rồi”.
Bích chưa kịp nghĩ ra câu khác để “vặn” bố chồng thì ông đã nhanh nhảu đề nghị: “Này, hai vợ chồng làm ăn khá thì gửi về cho bố ít tiền nhá, bố con mình mua chung cái xe máy để bố đi lại cho tiện, sau này vợ chồng chúng mày về cũng có phương tiện để chạy chợ”.