Con của các đại gia Trung Quốc học cách cư xử

Hơn 70 "thiếu gia" và "tiểu thư" của các tỷ phú Trung Quốc tại tỉnh Phúc Kiến tham gia lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm xã hội và tinh thần yêu nước.

Wang Sicong, con trai duy nhất của tỷ phú Wang Jianlin, từng khiến dư luận dậy sóng vì mua Apple Watch cho chó. Cha của anh là Chủ tịch tập đoàn bất động sản Dalian Wanda, Ảnh: Weibo
Wang Sicong, con trai duy nhất của tỷ phú Wang Jianlin, từng khiến dư luận dậy sóng vì mua Apple Watch cho chó. Cha của anh là Chủ tịch tập đoàn bất động sản Dalian Wanda, Ảnh: Weibo

Với độ tuổi trung bình 27, thế hệ thứ hai của nhóm "người giàu mới nổi" học về văn hóa truyền thống, trách nhiệm xã hội và kiến thức kinh doanh, Beijing Youth Daily đưa tin.

You Xiao Ming, người điều hành khóa đào tạo, cho biết, các doanh nhân vô cùng lo lắng về lối sống xa hoa và sự thiếu ý thức về trách nhiệm xã hội của con, cháu. Vì vậy, họ nhiệt liệt chào đón sự kiện chương trình từ khi nó bắt đầu vào năm 2013.

"Nhiều tỷ phú muốn đưa tất cả con, cháu tới tham dự nhưng chúng tôi chỉ có thể nhận mỗi gia đình một người", You nói.

Kỷ luật của lớp tập huấn khá nghiêm ngặt. Những người đến trễ hoặc về sớm sẽ phải nộp 1.000 nhân dân tệ (khoảng 160 USD). You cho hay, mức phạt không phải là một khoản tiền lớn đối với những người giàu nhưng chúng giúp họ xây dựng ý thức trách nhiệm.

Tại một cuộc họp của Ban Công tác Mặt trận (UFWD) hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi chính quyền nỗ lực hơn nữa để "giúp thế hệ trẻ của các chủ doanh nghiệp hiểu rằng tiền của họ tới từ đâu và hướng họ tới cuộc sống tích cực hơn".

Theo một bài viết của UFWD, dư luận thường đánh giá con của tầng lớp "người giàu mới nổi" là hư hỏng, kiêu ngạo và không có ý chí, tiêu tiền bừa bãi mà không biết cha mẹ họ kiếm tiền ra sao.

Hiện nay, hơn 85% doanh nghiệp ngoài quốc doanh là tài sản thuộc quyền sở hữu của các gia đình. Trong vòng từ 5 đến 10 năm tới, khoảng 75% doanh nghiệp trong số đó sẽ nhận ra các vấn đề của những thanh niên trẻ giàu. Những vấn đề của họ có thể ảnh hưởng tới việc kế thừa thành tựu của thế hệ trước và thậm chí làm giảm niềm tin của cộng đồng vào nền kinh tế tư nhân.

UFWD kêu gọi những "cậu ấm, cô chiêu" sử dụng tiền để mở rộng sản xuất, đầu tư vào nền kinh tế, tham gia hoạt động từ thiện.

Tuy nhiên, cộng đồng mạng lại không ủng hộ lớp tập huấn dành cho thanh niên giàu.

Yanyu Hangqing, một cư dân mạng, nói trên Sina Weibo: "Nền kinh tế thị trường có quy luật riêng của nó. Các doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện để thay thế các doanh nghiệp lụi bại. Việc chính quyền lo lắng về sự kế thừa các thành công của doanh nghiệp và tổ chức lớp huấn luyện cho con, em họ không phải là hành động công bằng".

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ