Con chữ nơi Hồng Ngài mờ sương

Con chữ nơi Hồng Ngài mờ sương

(GD&TĐ) - Bản Hồng Ngài nằm xa tít trên đỉnh trời quanh năm mờ sương của xã Y Tý (Bát Xát-Lào Cai). Đứng ở đây, có thể nhìn thấy nước bạn Trung Quốc và huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Đường lên Hồng Ngài tựa như đường lên trời vậy bởi con đường lộm cộm đất và đá sắc lẹm như lưỡi cuốc. Từ lâu, nơi bốn mùa sương này, chuyện học chữ của bọn trẻ nơi đây thật nhọc nhằn.

Y Tý là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát, nơi định cư của đồng bào Hà Nhì, đồng bào Dao và Kinh, trong đó, người Hà Nhì chiếm tới trên 50% số dân. Xã có 15 bản với những cái tên nghe mà thấy xa xôi: Phìn Hồ, Nhìu Cồ San, Mò Phú Chải, Hồng Ngài…Từ lâu, người dân Y Tý bám mảnh đất đầy nắng, đầy sương này để mưu sinh. Cuộc sống nghèo khó lắm bởi ở đỉnh trời này, chỉ có đá, có sương mù, đến cây sa mu cũng khó xanh tốt được. Vậy mà từ bao đời nay, người Hà Nhì đã tạo dựng cuộc sống bằng những căn nhà trình tường ấm áp.

Con chữ nơi Hồng Ngài mờ sương ảnh 1
Điểm trường Hồng Ngài chìm trong biển sương

Ngược đường dốc núi lên bản Hồng Ngài, bản xa nhất, cao nhất và mờ sương nhất của Y Tý mới biết địa hình nơi đây thật khắc nghiệt. Mới giữa thu mà trời mù mịt sương, chiều đến, mây sa sầm xuống mặt đất, cái lạnh thấu đến da thịt. Để đi đến Hồng Ngài, từ trung tâm xã Y Tý, chúng tôi phải đi qua các bản như Lao Chải 1, Lao Chải 2, Sim San 1, Sim San 2. Phân hiệu trường tiểu học Hồng Ngài của điểm trường Y Tý II hiện ra trước mắt chúng tôi. Điểm trường Y Tý II được đặt ở đây để cho con em người Hà Nhì học tập. trẻ con của ba bản xa là Sim San I, Sim San II và bản Hồng Ngài được học ngay tại đây. Hồng Ngài xa nhất, cách điểm trường chính tới trên 10km đường dốc núi hiểm trở.

Con chữ nơi Hồng Ngài mờ sương ảnh 2
Học sinh ở Hồng Ngài tuy gian khó nhưng ánh mắt các em vẫn bừng lên sự ham học

Lớp học của phân hiệu Hồng Ngài thật đơn sơ. Sau chiếc cổng chào làm bằng khung gỗ là dãy nhà ba gian đắp đất theo kiểu nhà trình tường của người Hà Nhì và cột cờ gỗ với lá cờ đỏ bay trong gió sương. Lớp học có bàn ghế nhưng đều đã cũ. Mới nhất là có chiếc bảng từ đóng trên tường. Mái của lớp học lợp blo xi măng nhưng xung quanh thì trống tềnh, sương bay vào mù mịt. Vì vậy, chẳng cần có điện mà lớp học vẫn sáng bừng. 

Thầy giáo Bùi Văn Phi, cắm bản tại điểm trường Hồng Ngài cho biết, ở phân hiệu Hồng Ngài ít học sinh, toàn con em người Hà Nhì nhưng vẫn có đủ 5 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5, kèm theo một lớp mầm non. Tuy có 5 khối lớp nhưng chỉ có hai giáo viên đứng lớp cộng với một giáo viên mầm non. Vì bản xa nên chỉ có vậy. Thế nên, hai giáo viên ở phân hiệu này phải xoay xở đến chóng mặt mới có thể lên lớp cho đủ 5 khối lớp ghép của một buổi học. Lớp học 3 gian nhà trình tường được chia làm hai nửa ngồi chéo nhau để học bài. Chuyện gieo mầm chữ ở Hồng Ngài thật không mấy thuận lợi. 

Điều kiện cho chuyện học chữ đã khó, đời sống của người dân Hà Nhì còn khó khăn hơn nhiều. Đỉnh núi cao mờ sương này điện chưa về, nước sạch thì khan hiếm nên giáo viên cắm bản để dạy chữ hết sức nhọc nhằn. Không ít thầy cô lên Hồng Ngài nhận công tác, cắm bản mà không lo lắng, không rơi lệ vì dấn thân vào vùng khó. Khi vào nhận công tác ở bản, được người dân giúp đỡ làm nhà cho ở, được học sinh tin yêu thế là dần dần thấy gắn bó và yêu nghề, yêu thương bọn trẻ ở Hồng Ngài này. 

Con chữ nơi Hồng Ngài mờ sương ảnh 3
Lớp học Hồng Ngài được đắp bằng đất theo kiểu nhà trình của người dân Hà Nhì

Bọn trẻ ở đây tuy khó khăn nhưng rất hiếu học và thích đến trường học chữ. Mùa này và mấy tháng nữa, mùa đông về, giá rét ở Hồng Ngài thì không nơi nào so được nhưng bọn trẻ vẫn đến trường. Tuy nhiên, từ nhà đến phân hiệu trường không phải gần nên bọn trẻ phải lặn lội đến trường hết sức khó khăn. Các thầy giáo ở phân hiệu cho biết, vào mùa đông, trời rét thấu xương, nhìn bọn trẻ áo rét phong phanh, chân đất, mi mắt và tóc trắng xóa sương mù thấy thương bọn trẻ vô cùng. Biết vậy, các thầy cô cũng chẳng biết giúp chúng được gì bằng việc gửi gắm tình yêu thương vào con chữ và mỗi bài giảng trong từng buổi học. 

Mỗi lần xuống núi để sinh hoạt chuyên môn với đồng nghiệp ở điểm trường chính quả là cả một vấn đề lớn đầy gian nan đối với thầy cô ở Hồng Ngài. Đường dốc núi hiểm trở, sương mù mịt, mưa trơn hơn đổ mỡ, đến con ngựa cũng chùn chân huống chi là xe máy. Những dịp tết về quê sum họp gia đình, thầy cô phải chuẩn bị khá kỹ và lên trả phép đúng hẹn. Còn hàng ngày, việc sinh hoạt đều phụ thuộc vào thức ăn dự trữ hàng tháng trời như cá khô, lạc, muối vừng. 

Sau khi tốt nghiệp tiểu học, bọn trẻ ở Hồng Ngài lại phải đi xa hơn là ra trung tâm xã để học tiếp THCS rồi ra trường THPT số 2 Bát Xát để học cấp 3. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, đường xa và hiểm trở nên tỷ lệ học sinh học hết cấp 2, cấp 3 và đi học chuyên nghiệp ở Hồng Ngài chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Mặc dù, địa phương cũng vận động, thầy cô ở các trường cũng tuyên truyền và động viên nhiều nhưng bát cơm, manh áo và nỗi nhọc nhằn còn níu bước chân bọn trẻ ở Hồng Ngài. 

Những năm gần đây, tận dụng thời tiết lạnh giá, người Hà Nhì ở Hồng Ngài đã đưa cây thảo quả về trồng trên núi cao. Có thảo quả, bán được thêm đồng tiền, vậy là người dân nơi đây sẽ có điều kiện để chăm lo chuyện học chữ của con em mình. 

Chia tay Hồng Ngài, chúng tôi xuống dốc núi quanh co và nhiều đá nhọn, những cây sa mu ướt đẫm sương đang vươn mình trên những hẻm đá. Hồng Ngài vẫn còn khó khăn lắm, chuyện học, chuyện dạy chữ nơi đây diễn ra chủ yếu bằng nghị lực, bằng niềm tin của con người mà thôi. Hồng Ngài vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước để mai này con chữ sẽ làm bừng sáng cuộc sống nơi đây. 

Nguyễn Thế Lượng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ