Cơn bão hậu cần

GD&TĐ - Trong vài tuần gần đây, Trung Quốc lần lượt phong tỏa hơn 20 thành phố vốn là những địa phương chiếm khoảng 40% GDP của nước này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các chuyên gia cảnh báo điều này có thể tạo ra một “cơn bão hậu cần” cho toàn thế giới như đã xảy ra hồi năm 2020 và 2021.

Hiện nay, nhiều đơn hàng kể cả bán buôn và bán lẻ xuất phát từ thị trường Trung Quốc đi các nước thông qua các nền tảng bán hàng trực tuyến đều đang gặp tình trạng gián đoạn. Người mua đều nhận được các thông báo cập nhật cho thấy hàng hóa vẫn bị kẹt tại các trạm trung chuyển bên trong nội địa Trung Quốc, mà không thể luân chuyển ra nước ngoài như thường lệ.

Đây chỉ là một phần hệ quả của việc Trung Quốc đang phong tỏa trên diện rộng để đối phó với làn sóng dịch lớn nhất tại nước này kể từ thời Vũ Hán, hơn hai năm trước. Trong khi đó, theo ông Richard Martin, Giám đốc Điều hành tại Công ty Tư vấn toàn cầu IMA Asia, việc hàng hóa quốc tế đang bị mắc kẹt ở Trung Quốc do những lệnh phong tỏa mới có thể trở thành vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, có nhiều sản phẩm mà người tiêu dùng trên khắp thế giới sử dụng được sản xuất hoặc có thành phần từ Trung Quốc. Do đó, bối cảnh phong tỏa chống dịch hiện nay khiến thế giới sắp lại phải chứng kiến “cơn bão hậu cần” như đã từng xảy ra vào năm 2020 và 2021. Hiện, Trung Quốc cung ứng 20% nhu cầu hàng hóa toàn cầu, trong khi vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn thế.

Do vậy, chính sách chống dịch tại Trung Quốc đang khoét sâu thêm vào những thách thức về chuỗi cung ứng toàn cầu mà thế giới đã phải vật lộn kể từ những tháng đầu của đại dịch Covid-19. Dòng chảy của hàng hóa thế giới vốn đã khó khăn lại càng khó lưu thông, khi hàng loạt trung tâm sản xuất ở nơi được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” là Trung Quốc rơi vào tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Thêm vào đó, chuỗi cung ứng lại càng khó khăn hơn khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2. Bối cảnh này khiến các chuyên gia cảnh báo triển vọng về kinh tế toàn cầu ngày càng mờ nhạt dần, khi châu Âu chìm trong cuộc đối đầu với Nga, Mỹ thì sẽ tiếp tục có kế hoạch nâng lãi suất dù sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và Trung Quốc thì đang tự làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng chiến dịch chống dịch khắt khe nhất hành tinh.

Cũng do đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ đầu của đại dịch vào năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc đang ở thời điểm được đánh giá là “rất dễ tổn thương”, khi các khu vực bị phong tỏa chiếm tới 40% GDP của nước này. Thành phố Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chính quyền địa phương thực hiện biện pháp phong tỏa.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, Trung Quốc luôn áp dụng chiến lược theo đuổi Zero-Covid bằng mọi giá. Ngay cả khi phần còn lại của thế giới đều đã chuyển sang giai đoạn sống chung với Covid, mở cửa biên giới, thì Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược chống dịch khắt khe này.

Do đó, chuỗi cung ứng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ vẫn còn chịu tác động mạnh mẽ của Covid-19, khi chính sách chống dịch của Trung Quốc còn chưa thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ