Coi trọng chọn lựa môi trường học tập phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của trẻ

GD&TĐ - Tiểu học là cấp học đầu tiên, đóng vai trò nền tảng quan trọng đối với sự phát triển tri thức của con trẻ.

Trường quốc tế Sài Gòn Star. Ảnh: SGSTART
Trường quốc tế Sài Gòn Star. Ảnh: SGSTART

Tại TPHCM, nhiều phụ huynh không ngại đầu tư cho con học trường quốc tế ngay từ giai đoạn này, dù học phí rất cao.

Học phí 200 - 600 triệu đồng/năm

TPHCM hiện có hơn 20 trường quốc tế. Những cơ sở này dạy chương trình phổ thông nước ngoài, chủ yếu Anh, Mỹ, Canada, Úc… Tại một số trường quốc tế tiểu học, ngoài dạy chương trình của Bộ GD&ĐT (MOET), nhà trường còn kết hợp thêm chương trình quốc tế và chương trình giáo dục đặc thù.

Ba chương trình chính thường được dạy ở các trường tiểu học tư thục quốc tế là: Chương trình MOET kết hợp với chương trình tiếng Anh tăng cường; chương trình MOET và tập trung phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh trong môi trường học tập quốc tế; chương trình MOET kết hợp song song với chương trình phổ thông quốc tế.

Hiện có hơn 10 trường quốc tế tại TPHCM công bố học phí cấp tiểu học năm học 2024 - 2025. Tại Trường quốc tế Renaissance Sài Gòn (Quận 7), học phí khoảng 491 - 586 triệu đồng/năm. Trường quốc tế Pennsylvania (Quận 10) học phí tối đa 326 triệu/năm.

Học phí Trường quốc tế Bắc Mỹ (huyện Bình Chánh) 463 triệu đồng/năm, Trường quốc tế Canada (Quận 7) từ 532 - 560 triệu đồng/năm, Trường quốc tế Anh (TP Thủ Đức) 452 - 463 triệu đồng/năm. Một số trường có học phí thấp hơn như: Song ngữ quốc tế Horizon (TP Thủ Đức) là 209 - 217 triệu đồng/năm, Trường quốc tế Nam Mỹ (Quận 1) là 166 - 254 triệu đồng/năm, Trường quốc tế Tây Úc (Quận 3) là 138 - 331 triệu đồng/năm.

Ngoài học phí, các trường còn thu nhiều khoản khác như: Phí nhập học khoảng 20 - 40 triệu đồng, tiền đồng phục, tiền ăn, cơ sở vật chất, xe bus đưa đón… Các khoản này cũng khoảng 20 - 40 triệu đồng, tùy trường. Nếu đóng học phí cả năm hoặc có nhiều con theo học, một số trường chiết khấu cho phụ huynh khoảng 5 - 10%.

Học sinh tại Trường Quốc tế Anh (TP Thủ Đức). Ảnh: BVIS HCMC

Học sinh tại Trường Quốc tế Anh (TP Thủ Đức). Ảnh: BVIS HCMC

Có kế hoạch dài hạn và dự phòng

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng, để chọn trường tiểu học quốc tế, phụ huynh có thể tìm hiểu uy tín của nhà trường, uy tín của tổ chức kiểm định chất lượng (nếu có), uy tín của tổ chức sở hữu và điều hành trường, uy tín của chương trình học được áp dụng trong nhà trường, cơ sở vật chất, văn hóa…

Phụ huynh cũng nên tham khảo đa dạng thông tin, từ nguồn do chính trường cung cấp, nguồn báo chí, mạng xã hội viết về trường, lịch sử hoạt động của trường, thông tin trên các diễn đàn phụ huynh, hoặc do phụ huynh khác trực tiếp cung cấp.

“Uy tín của trường học, trong một chừng mực nào đó chính là uy tín của ban giám hiệu nhà trường, tập thể giáo viên, ban giám đốc, hội đồng quản trị điều hành. Rất khó có một tổ chức, công ty kém uy tín mà lại xây dựng được một trường học uy tín, chất lượng. Yếu tố con người quan trọng hơn cơ sở vật chất, chương trình học”, ông Nguyên nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, với trường tư thì học phí và các dịch vụ kèm theo là điều phụ huynh cần tính tới. Cha mẹ cần xem điều kiện và hoàn cảnh của mình để trẻ không phải chuyển đi chuyển lại giữa nhóm trường công và nhóm trường tư, gây nên sự xáo trộn.

Việc chuyển trẻ đang học trường tiểu học quốc tế về trường công sẽ là một sự bất tiện lớn. Chương trình quốc tế và chương trình ở trường công khác nhau rất nhiều về ngôn ngữ giảng dạy, mục tiêu giáo dục, triết lý giáo dục, phương pháp giảng dạy, cấu trúc chương trình... Do vậy, phụ huynh phải có kế hoạch dài hạn và dự phòng cho con cái.

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, phụ huynh nên định hướng việc học cho con từ khi vào tiểu học, tùy theo mục tiêu và nhu cầu. Nhiều gia đình xem việc cho con học trường quốc tế như du học tại chỗ, vừa tiết kiệm hơn so với đi nước ngoài, vừa được gần gũi và quản lý con.

Ở cấp tiểu học, phụ huynh quan tâm đến việc phát triển kỹ năng mềm, tinh thần, tâm lý, cảm xúc của trẻ. Do đó, yếu tố môi trường học tập, phương pháp giáo dục, chương trình học giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và sự chăm sóc của giáo viên, nhà trường là yếu tố quan trọng.

Thực tế cũng có một số phụ huynh gặp vấn đề tài chính giữa chừng, khó có thể cho con tiếp tục theo học trường quốc tế. Ông Ngai cho rằng, việc chuyển con từ trường quốc tế sang trường công sẽ có nhiều khó khăn bước đầu cho trẻ. Do vậy, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý cho con và cho cả chính mình để trang bị về nền nếp, lối sống, tính cách giúp thuận lợi hơn cho việc chuyển đổi môi trường.

Học phí và cam kết của phụ huynh

Trường công, học phí theo quy định Nhà nước, có tính “bình ổn giá” cao. Học phí ở trường quốc tế là sự thỏa thuận theo cam kết giữa phụ huynh và nhà trường. Vì thế, khi chọn trường quốc tế, phụ huynh cần xem kỹ những lưu ý đặc biệt liên quan đến biến động học phí cùng các chính sách liên quan của trường.

Chẳng hạn như Trường quốc tế Renaissance Sài Gòn (Quận 7) có quy định, nhà trường có quyền tăng học phí trong năm học nếu tỷ lệ lạm phát hàng năm vượt quá 12% và/hoặc nếu đồng Việt Nam mất giá so với đồng đô la Mỹ hơn 3% kể từ ngày niêm yết gần nhất của biểu phí niên học. Trong trường hợp đó, nhà trường sẽ công bố các biểu phí mới trên trang web của trường và thông báo cho phụ huynh đóng học phí theo từng kỳ, các khoản phí chưa đóng sẽ được tính theo biểu phí mới.

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, học phí trong trường tư là nghĩa vụ mà cha mẹ cần phải cam kết. Không thể nói học phí trường tư là quá cao hay quá thấp, vì đây là một lựa chọn tự nguyện của người học.

Không thể yêu cầu trường tư phải thu học phí gần với trường công. Lý do, trường công được bảo trợ của Chính phủ, được cấp ngân sách, giáo viên là viên chức được trả lương. Trường tư, cha mẹ chính là người bảo trợ tài chính cho trường. Do vậy, cha mẹ cần phải cam kết với trách nhiệm mà mình lựa chọn gánh vác. Nghĩa vụ của trường học là phải công khai các khoản phí một cách ngay thẳng, không có các khoản phí chìm gây bất ngờ, bị động cho phụ huynh.

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, tiểu học là cấp học tạo dựng những nền tảng quan trọng về tiếng mẹ đẻ, ngoại ngữ, toán, khoa học... cùng với những nền móng khác về sức khỏe, tâm lý, tính cách của trẻ em. Do vậy, việc chọn lựa môi trường học tập phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của mỗi trẻ là điều nên được cha mẹ coi trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ