Cởi 'nút thắt' việc bồi thường cho người dân ảnh hưởng bởi sạt lở sông Krông Nô

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Liên quan đến tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô (giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông), việc đền bù thiệt hại cho người dân có nhiều vướng mắc.

Một vườn cà phê của người dân ở huyện Krông Nô bị sạt lở không còn khả năng sản xuất. Ảnh: TT
Một vườn cà phê của người dân ở huyện Krông Nô bị sạt lở không còn khả năng sản xuất. Ảnh: TT

Địa phương quy trách nhiệm cho doanh nghiệp

UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Trọng Yên ký), yêu cầu Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (Công ty Buôn Kuốp), UBND huyện Krông Nô khẩn trương thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ diện tích đất bị sạt lở do hoạt động của thủy điện trên địa bàn huyện Krông Nô.

Cụ thể, đối với diện tích đất sạt lở, sụt lún đã xác định được nguyên nhân và trách nhiệm của đơn vị. Công ty Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah - PV) khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương để xác định diện tích đất và tài sản trên đất tại vị trí sạt lở làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân.

Đối với các khu vực bị sạt lở nhưng chưa xác định được nguyên nhân, giao UBND huyện Krông Nô tiếp tục phối hợp khảo sát, đánh giá… xác định nguyên nhân cụ thể.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, việc đền bù thiệt hại do sạt lở trên sông Krông Nô thời gian qua do các công ty khai thác cát và các công ty thuỷ điện thực hiện.

Đối với những đoạn sạt lở thuộc phạm vi các công ty khai thác cát được cấp phép thì các công ty này tự thoả thuận đền bù cho người dân. Một số đoạn sạt lở ngoài phạm vi cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát thì phía Công ty Buôn Kuốp nhận trách nhiệm bồi thường.

“Trước đây, huyện phê duyệt phương án đền bù diện tích sạt lở. Nhưng gần đây, xem xét lại Luật Đất đai 2013 thì không quy định chính quyền huyện thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ do ngập úng, sạt lở đất sông do hoạt động của nhà máy thuỷ điện gây ra. Theo quy định thì Công ty Buôn Kuốp phải thực hiện thoả thuận đền bù với người dân.

Tuy nhiên, xác định doanh nghiệp Nhà nước tự thoả thuận đền bù với dân sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, huyện cũng đã đưa ra phương án phối hợp, hỗ trợ công ty thuỷ điện thực hiện đầy đủ quy trình đền bù như trước đây, chỉ khác ở bước cuối cùng là phê duyệt phương án do công ty thực hiện. Dù vậy, phía Công ty Thuỷ điện Buôn Kuốp vẫn chưa đồng ý, dẫn đến vướng mắc trong đền bù kéo dài”, ông Ánh lý giải.

Ông Ánh cho biết thêm, lãnh đạo UBND huyện cũng đã làm việc với Công ty Buôn Kuốp nhiều lần. “Huyện mong muốn là chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định một phương án có cả báo cáo thẩm định, gửi về công ty.

Công ty chỉ căn cứ đó để ký, nhưng công ty lại yêu cầu phê duyệt thì vướng ở chỗ này. Giờ chỉ tháo gỡ một bước này thôi, phê duyệt phương án ở cấp huyện hay là chủ đầu tư, đơn vị thực hiện đền bù phê duyệt. Mong muốn Công ty Buôn Kuốp phối hợp chặt chẽ hơn, đặc biệt là xin cơ chế cấp trên để có hướng giải quyết”, ông Ánh nói thêm.

Sạt lở nghiêm trọng tại sông Krông Nô khiến người dân mất đất sản xuất. Ảnh: TT

Sạt lở nghiêm trọng tại sông Krông Nô khiến người dân mất đất sản xuất. Ảnh: TT

Doanh nghiệp muốn gỡ “nút thắt”

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Buôn Kuốp cho biết, tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô đã được xác định do nhiều nguyên nhân như: Địa hình, địa chất, biến đổi khí hậu, khai thác cát và vận hành thuỷ điện. Trong đó, nguyên nhân vận hành thuỷ điện có trách nhiệm của Công ty Buôn Kuốp.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, từ năm 2018 đến nay, tốc độ sạt lở sông Krông Nô quá nhanh và có ảnh hưởng rất lớn từ việc khai thác cát khiến cho lòng sông quá sâu.

“Phía Công ty Buôn Kuốp sẵn sàng đền bù thiệt hại cho người dân, nhưng với yêu cầu chính quyền địa phương phải đánh giá, phân định rõ trách nhiệm của tất cả các doanh nghiệp thuỷ điện và khai thác có liên quan”, ông Khánh mong mỏi.

Cũng theo ông Khánh, tại một số đoạn sạt lở, Công ty Buôn Kuốp nhận trách nhiệm bồi thường sạt lở. Trước đây, những diện tích sạt lở, chính quyền địa phương phê duyệt phương án, công ty có cơ sở pháp lý để chi tiền đền bù. Nhưng mấy năm gần đây, chính quyền địa phương không phê duyệt phương án, mà yêu cầu công ty phải tự thoả thuận với người dân, công ty không có cơ sở để đền bù:

“Bây giờ nảy sinh vấn đề, cách làm giống như trước đây thì chính quyền địa phương nói rằng, do những quy định pháp lý, chính quyền không phê duyệt phương án bồi thường nữa mà đề nghị Công ty Buôn Kuốp đi thoả thuận với người dân về tiền bồi thường, hỗ trợ diện tích sạt lở. Phương án bồi thường, hỗ trợ phải được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt thì công ty mới xuất tiền được. Văn bản gửi địa phương rồi họp đi họp lại nhưng chưa tháo gỡ được”, ông Khánh nói thêm.

Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2019, Công ty Buôn Kuốp và Ban Quản lý dự án Thủy điện 5 đã đo đạc, bồi thường, hỗ trợ 6 đợt cho các hộ dân có đất bị sạt lở dọc sông Krông Nô với tổng diện tích 73,63ha, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 57 tỷ đồng. Trong đó, huyện Lắk (Đắk Lắk) có 207 lượt hộ với 39,6ha, kinh phí gần 33 tỷ đồng; huyện Krông Nô (Đắk Nông), có 288 lượt hộ với 34.03ha, kinh phí 24,72 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích sạt lở từ năm 2020 về sau, hiện đã đo đạc, xác định được khoảng hơn 29ha.

Trước đó, nhiều hộ dân tại các xã: Đắk Nang, Đức Xuyên và Nậm N’Đir, huyện Krông Nô đã phản ánh đến Báo GD&TĐ về tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô diễn ra ngày càng nghiêm trọng, làm mất đất sản xuất của người dân.

Đáng nói, sau một thời gian dài, chính quyền và doanh nghiệp chưa tìm được “tiếng nói chung” về quy trình bồi thường thiệt hại, khiến người dân bức xúc. Đặc biệt, nhiều hộ mất đất sản xuất chưa được đền bù khiến họ gặp khó trong việc tìm kế mưu sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ