Cởi mở hơn với đào tạo từ xa?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của trường nước ngoài đạt kiểm định chất lượng ngày càng được quan tâm...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ, công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của trường nước ngoài đạt kiểm định chất lượng ngày càng được quan tâm. Nhiều chuyên gia khẳng định, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện, các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới khuyến khích đa dạng hình thức học tập và không phân biệt cách thức đào tạo trực tiếp hay trực tuyến, từ xa qua đa phương tiện truyền thông; hay kết hợp các hình thức trong đào tạo.

Học trực tuyến hoàn toàn hoặc kết hợp các hình thức được công nhận tính hiệu quả với ưu điểm việc học diễn ra linh hoạt, tiết kiệm chi phí. Người học có thể dễ dàng tham gia vào lớp học toàn cầu, phù hợp với nhu cầu học tập suốt đời... Tất nhiên, hình thức này yêu cầu cao từ phía người học về tính chủ động, ý thức học và tự học cao hơn.

Tính hợp lệ, uy tín của bằng cấp đào tạo từ xa, trực tuyến, quy định về chính sách có điểm khác ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, một số điểm chung như: Được sự ủy quyền, cấp phép bởi cơ quan giáo dục có thẩm quyền; công nhận và chứng nhận kiểm định về chất lượng, chương trình đào tạo; thừa nhận của các tổ chức, doanh nghiệp trong thị trường lao động…

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vấn đề này được đề cập khá chi tiết trong Bộ công cụ dành cho việc công nhận trình độ chuyên môn được đào tạo ở nước ngoài (2013). Ở Việt Nam, theo quy định hiện hành, hình thức đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa) không ghi trên văn bằng giáo dục đại học mà được ghi trên phụ lục văn bằng.

Chia sẻ về đào tạo từ xa, ông Trương Tiến Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, phương thức này không có tội mà chỉ những người chưa hiểu hoặc lợi dụng nó để trục lợi làm cho hiểu biết xã hội bị sai lệch.

Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam có đề cập đến văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo đó, để được công nhận, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức trên phải đáp ứng quy định “Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo”.

Đồng thời đáp ứng thêm một trong hai điều kiện: Chương trình được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo tại Việt Nam khi người học lưu trú và học tập tại Việt Nam; Chương trình được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi tổ chức đào tạo cấp phép khi người học lưu trú và học tập tại nước đó.

Tuy nhiên, trong dự thảo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam (lấy ý kiến góp ý từ 12/6 - 12/8/2023) không còn nội dung này.

Nếu Thông tư được ban hành, việc công nhận bằng cấp đào tạo từ xa của trường nước ngoài sẽ mở hơn. Với xu thế như nói ở trên, nhiều chuyên gia đồng tình với điểm mới này. Song, điều kiện tiên quyết là cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo đó phải được kiểm định chất lượng bởi cơ quan có thẩm quyền; cùng đó là minh bạch thông tin công nhận văn bằng...

Hiện, trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) có thông tin về cơ sở giáo dục được công nhận, bảo đảm chất lượng ở các nước nhiều học sinh Việt Nam du học. Thắc mắc, cách xử lý vấn đề người có văn bằng thường gặp khi làm thủ tục công nhận cũng công khai, hướng dẫn rõ ràng trên trang này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.