Coi mặt đặt tên

Coi mặt đặt tên

(GD&TĐ) - Hôm nay lớp 7C có giờ Trả bài Tập làm văn số 3. Lần đầu tiên, Minh có cảm giác hồi hộp chờ đợi. Chỉ vì Minh đã “trúng tủ” đề bài biểu cảm  “Tình bạn của em”. Tuần trước, cô Lan, giáo viên chủ nhiệm kiêm dạy Ngữ văn của lớp bị “cháy” giáo án vào tiết thứ hai, sau giờ chào cờ vì mất thời gian vào việc chấn chỉnh nền nếp lớp (lớp 7C bị tụt xuống hàng thi đua áp chót) nên bài tập làm văn số 3 được cô cho về nhà làm. Cả lớp phần đông đều mừng, vì bài tập làm văn cho về nhà có cơ hội để nhờ người khác bày vẽ giúp. Riêng Minh còn mừng hơn nữa vì đã bị một điểm 4 ở bài tập làm văn biểu cảm số 2, lần này, Minh quyết chí “gỡ” lại điểm 4 đáng buồn đó. 

Kề nhà Minh có cô giáo Trâm, giáo viên dạy Văn THCS ở một trường xa nhà. Nghe nói cô là giáo viên dạy giỏi, nên mẹ dẫn Minh qua nhà nhờ cô bày vẽ cho cách làm bài tập làm văn cô giáo cho về nhà. Tuy nhiên, thay vì bày vẽ cách làm, cô Trâm lại bảo bận soạn giáo án và chấm bài, không có thời gian và đưa cho Minh một bài văn được gọi là mẫu về “Tình bạn của em”. Mừng rỡ như bắt được vàng, Minh đem bài văn về chép một mạch để nộp bài cho cô giáo.   

Rồi giờ trả bài tập làm văn số 3 đã đến! Sau khoảng 15 phút đồng hồ đầu tiên “chấn chỉnh nề nếp”, con cà con kê như mọi hôm, cô giáo ghi đầu đề tiết học lên bảng, nhờ lớp phó học tập lên nhận bài phát bài ra cho cả lớp xem. Minh nhấp nhổm chờ tới bài của mình. Nhưng niềm hi vọng tắt ngấm khi bài của Minh chỉ được cô cho có 5 điểm, nghĩa là nhích hơn bài văn số 2 trước đó có một điểm. Trong lời phê cô ghi có mỗi một câu: “Chữ khó đọc, bài làm thường!”.  

Minh ngồi buồn so, đầu óc mông lung không hiểu nổi vì sao cô Trâm, người hàng xóm thân cận của gia đình lại không làm giúp nó một bài cho thật hay vào mà lại làm “thường” như thế. Cách đó một hàng ghế, thằng Phan, tổ trưởng tổ nó đang cầm bài tập làm văn được điểm 9 hớn hở khoe. Minh nhổm người lên mượn bài của Phan để đọc coi nó làm kiểu gì mà được điểm cao như thế. Xem lời phê thì thấy bài của Phan được cô phê: “Giỏi. Em có người bạn tốt đấy”.

Tuy nhiên, chỉ vừa mới đọc lướt mấy câu mở bài, Minh đã giật mình bởi lời lẽ giống y chang bài của Minh. Minh liền mở bài của mình ra so đọ thì 2 bài giống nhau như đúc. Như thế là thế nào nhỉ? Vì Phan làm tổ trưởng nên được điểm cao hay vì chữ của Phan đẹp hơn chữ của Minh? Nhưng dẫu chữ của Minh có xấu, có khó đọc đi nữa thì cô cũng không thể trừ của Minh đi một lúc tới 4 điểm được. Lúc ấy, Minh đã không nghĩ xa được vì sao Phan lại có bài văn giống như của mình. Tức tốc, em cầm bài văn lên bảng hỏi cô giáo: “Thưa cô, vì sao bài của em và bạn Phan giống y như nhau mà bạn ấy lại được điểm 9, còn em bị điểm 5”. Cô giáo liền cầm 2 bài văn lên xem. Sau ít phút cầm cả 2 bài lên so đọ, cô “e hèm” nhìn Minh phán một câu: Em  đi chép bài của bạn chứ gì? Hôm trước em cãi nhau với bạn trong tiết Địa lý để lớp bị trừ điểm thi đua, đúng là không có tình bạn chân thành thì không thể tự làm bài được đâu (?). 

Đọc tới đây, tôi chắc không ít bạn đọc làng giáo sẽ có tâm trạng giống y như tôi: Không tin nổi, dẫu đó là sự thật! Chỉ còn để nỗi xót xa, thương cảm, lo lắng thay cho những học sinh như em Minh tràn ra trang giấy… 

Câu chuyện trên đây tôi được nghe kể từ người mẹ của Minh và được biết thêm: Nguyên do có hai bài tập làm văn giống hệt nhau là vì cô giáo “hàng xóm” đã lấy y nguyên một bài văn ở sách tham khảo để đưa cho Minh. Còn Phan, do cũng có được cuốn sách tham khảo y như thế nên đã chép y nguyên để nộp cho cô giáo. Khi chấm bài, cô giáo đã “coi mặt đặt tên”, thấy bài văn trước của Minh không đạt yêu cầu, chữ Minh lại khó đọc nên cô đã “lười đọc”, chỉ phết điểm ở mức trung bình cho xong chuyện. 

Hồng Châm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.