Cổ vật Huế về lại chốn cung đình

GD&TĐ - Hôm nay (22/4), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khai mạc Trưng bày “Không gian tiếp khách của Hoàng thái hậu” tại Tả Trà thuộc cung Diên Thọ (Đại nội Huế).

Cổ vật Huế về lại chốn cung đình
Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 1Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 2Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 3Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 4Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 5Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 6Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 7Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 8Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 9Cổ vật Huế về lại chốn cung đình ảnh 10
Do tư liệu và nguồn hiện vật bị hạn chế nên cách bài trí và hiện vật trưng bày mang tính chất ước lệ. Gian chính nhà Tả Trà trưng bày những đồ dùng trong sinh hoạt cung đình như: sập gụ, bàn, tủ bằng gỗ khảm cẩn, tủ trang trí chạm lộng,... Bên cạnh đó, một chiếc phụng liễn (thường được gọi là kiệu) của Hoàng thái hậu Từ Cung đã được tu bổ phục hồi và được trưng bày. 

Đặc biệt, chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh cũng được trưng bày tại đây. Xe kéo có chiều dài 230cm, cao 136cm và rộng 102cm, được sản xuất khoảng năm 1890. 

Chữ Hán trên thùng cho biết xe do xưởng Hoàng Hưng ở Hà Nội sản xuất (Đông Kinh Hà Nội Hoàng Hưng tạo). Các nghệ nhân làng Kinh Lược - Hà Nội đảm trách phần khảm xà cừ trên bản gỗ phủ sơn mài đen. Bánh xe niền sắt. Trên xe có gắn hai đèn lồng loại thắp nến. 

Chiếc xe kéo được xác định là “tác phẩm nghệ thuật hoàng gia độc nhất”. Kiểu dáng mềm mại, tỉ lệ hài hòa. Chiếc xe cũng được nhận định do vua Thành Thái sai đặt làm để tặng mẹ dạo chơi trong hoàng cung và các khu vườn ngự uyển.

Trước đó, ngày 3/10/2014 chiếc xe kéo đã chính thức được chuyển vào Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để chuẩn bị đưa về Việt Nam. Sau khi được phía Pháp nhường quyền mua cổ vật, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã cho Bảo tàng Guimet mượn để trưng bày trong cuộc triển lãm có tên L"envol du Dragon - Art royal du Vietnam từ ngày 9/7 đến 15/9. 

Chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh sau đó đã được đấu giá thành công bằng nguồn ngân sách Nhà nước do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đấu giá và vận chuyển hiện vật về Việt Nam còn nhận được sự chia sẻ và hỗ trợ từ cộng đồng xã hội. 

Từ câu chuyện đấu giá chật vật cổ vật triều Nguyễn mới thấy rằng, nguồn lực có hạn nên Trung tâm Bảo tồn di tích cố đố Huế chưa thành công trong các phiên đấu giá để đưa những báu vật quý giá hoàng cung trở về nước.

Trong thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam nhiều đồ cổ quý báu của vua Nguyễn đã bị lấy đưa đi, để lại một lỗ hổng rất lớn về những di tích một thời vàng son ở cố đô Huế. 

Mới đây nhất là chiếc long sàng của vua Thành Thái đang ở Pháp đã được đưa ra đấu giá 3 tỷ đồng, khiến cho người đại diện của Huế không thể tham gia phiên đấu giá đến cuối cùng. Cũng may, người sở hữu chiếc long sàng này là ông Tạ Văn Quang, hậu duệ thuộc dòng cháu họ của vua Thành Thái đang định cư tại Pháp mua lại. 

Ông Quang cũng đang có kế hoạch đưa cổ vật này về Huế. Trước đó, bức tranh “Chiều tà” (Ngày tàn) của vua Hàm Nghi đã lên sàn đấu giá ở Paris. Đại diện Việt Nam đã theo đến 8.600 Euro thì bỏ cuộc.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho biết: Chiếc xe này được vua Thành Thái tặng cho mẹ là Thái hậu Từ Minh để đi dạo trong vườn Thượng uyển. Sau khi Thái hậu Từ Minh qua đời, xe được vua Thành Thái đem bán cho một lính Pháp năm 1907. Số tiền bán được lúc đó là 400 đồng và được vua dùng để mua một chiếc ôtô. 

Năm 1914, xe kéo này đã được trưng bày tại một hội chợ thương mại ở Pháp. Như vậy cổ vật này từng thất lạc khỏi Việt Nam ít nhất 101 năm trước khi được đưa về lại cố cung. 

Sự kiện đưa được chiếc xe kéo quý hiềm về lại Đại Nội Huế không chỉ mang đến công chúng những khám phá mới về văn hóa cung đình mà còn góp phần bồi đắp, nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trân trọng và giữ gìn các giá trị di sản trong mỗi người dân để tiếp tục phát triển và hội nhập, góp phần làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ