Trong bức thư được công bố trên tạp chí Science, các tác giả nói rằng, cả hai giả thuyết chính: “Virus vô tình được phát tán từ phòng thí nghiệm” và “lây nhiễm tự nhiên từ động vật” vẫn còn khả thi tới thời điểm hiện tại. “Việc biết được Covid-19 xuất hiện như thế nào nhằm cung cấp thông tin về các chiến lược toàn cầu nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát trong tương lai”.
Các tác giả của bức thư, bao gồm 18 nhà khoa học nổi tiếng, không phải là những người đầu tiên trong cộng đồng khoa học kêu gọi điều tra thêm về nguồn gốc của virus Corona. Nhưng nhiều tuyên bố trước đây về vấn đề này ủng hộ rõ ràng một trong hai giả thuyết, trong khi các tác giả của bức thư mới cố gắng giữ thái độ trung lập, cho rằng bằng chứng hiện tại không đủ mạnh để ủng hộ một giả thuyết duy nhất, theo New York Times.
“Hầu hết các cuộc thảo luận mà bạn nghe về nguồn gốc của SARS-CoV-2 tại thời điểm này là đến từ một số lượng tương đối nhỏ những người cảm thấy rất chắc chắn về quan điểm của họ” - Jesse Bloom, tác giả chính của bức thư và là Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle cho biết - “Bất kỳ ai đưa ra tuyên bố với mức độ chắc chắn cao về điều này chỉ đang kết luận một cách hấp tấp dựa trên các bằng chứng có sẵn”.
Các tác giả khác của bức thư bao gồm Tiến sĩ David Relman, Giáo sư vi sinh vật học và miễn dịch học tại Đại học Stanford; Ralph Baric, Giáo sư dịch tễ học và vi sinh vật học tại Đại học Bắc Carolina, người đã dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về viruscorona; và Marc Lipsitch, Giáo sư dịch tễ học kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sự truyền nhiễm của bệnh tại Trường Y tế Công cộng của ĐH Harvard, người sử dụng mô hình toán học để nghiên cứu sự lây truyền của bệnh truyền nhiễm…
Nguồn gốc của SARS-CoV-2 đã được tranh luận sôi nổi kể từ khi đại dịch bắt đầu và một số chuyên gia cho biết chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác virus đến từ đâu. Vào tháng 3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố kết quả điều tra kéo dài nhiều tháng về nguồn gốc của SARS-CoV-2, được thực hiện với sự hợp tác của các nhà khoa học Trung Quốc.
Báo cáo kết luận rằng, sự lây lan từ động vật hoang dã qua vật chủ trung gian là “con đường rất có thể xảy ra” cho sự lây truyền ban đầu sang người, trong khi sự xâm nhập thông qua một tai nạn trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia ngay sau đó đã chỉ trích báo cáo này là thiếu minh bạch và dữ liệu không đầy đủ, theo CNN. Kể từ đó, Mỹ và 13 chính phủ khác đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại về những phát hiện của WHO. Bức thư mới lưu ý rằng trong báo cáo của WHO, “hai giả thuyết không được xem xét ngang bằng” và “không có phát hiện nào chứng minh rõ ràng giả thuyết nào đúng”.
“Một cuộc điều tra thích hợp phải minh bạch, khách quan, dựa trên dữ liệu, bao gồm chuyên môn sâu rộng, chịu sự giám sát độc lập và được quản lý có trách nhiệm để giảm thiểu tác động của xung đột lợi ích”, các tác giả của bức thư trên Science cho biết.
Một số chuyên gia không liên quan đến bức thư cho biết họ ủng hộ nhu cầu điều tra thêm về nguồn gốc của virus, nhưng họ không đồng ý rằng hai giả thuyết hiện có bằng chứng ngang nhau.
Angela Rasmussen, nhà virus học tại Tổ chức vắc-xin và bệnh truyền nhiễm của Đại học Saskatchewan ở Canada, nói với Times: “Có nhiều bằng chứng cho thấy đây là kết quả từ động vật chứ không phải là một tai nạn trong phòng thí nghiệm”.