Thời điểm sáng tác đã lâu, nhưng đến nay nhân vật trong bài thơ vẫn là một hình tượng mới mẻ và phổ biến trong công cuộc xây dựng đất nước. Bài thơ mộc mạc dễ hiểu nhưng giá trị nghệ thuật cao, giàu cảm xúc.
Hình ảnh người thợ hàn, trong cuộc sống hiện nay, chẳng thiếu gì trên các công trình xây dựng. Nhưng vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, thì đây là những hình ảnh hiếm hoi. Đặc biệt hơn, người thợ hàn này lại là một cô gái, thì đó càng là hình tượng độc đáo trong thơ Trần Nhuận Minh:
Em đứng trên khung nhà cao tầng
như chiếc lá xanh, nẩy trên cây sắt thép
từ tay em, những tia lửa bay ra
em thành trung tâm muôn ngàn sao sa
nối liền trời và đất
nối liền ước mơ và sự thật
nối liền hôm nay và ngày mai
chắc em không ngờ đêm đêm dưới bóng cây
có một chàng trai, chính là tôi đây
đứng lặng im tôi ngắm
em hiện ra trong muôn ngàn sao bay.
(Trích trong “Âm điệu một vùng đất” - 1980)
Thợ hàn là một nghề vất vả, nặng nhọc, nhiều độc hại… đòi hỏi phải có một sức chịu đựng lớn, mới đứng vững được, trên các công trình xây dựng. Cho nên công việc này thường dành cho các chàng trai có sức khỏe, thế mà người con gái, vốn được coi là chân yếu tay mềm, lại dám đương đầu với công việc ấy.
Từ sự đối lập gay gắt mà đẹp đẽ, trong cuộc sống, Trần Nhuận Minh lại tiếp tục tô đẹp thêm lên, bằng nghệ thuật tạo hình:
Em đứng trên khung nhà cao tầng
như chiếc lá xanh, nẩy trên cây sắt thép
Khung nhà cao tầng, cây sắt thép, đã trở thành cái nền của một bức điêu khắc rộng lớn, thô cứng, cheo leo, để tạc khắc lên hình ảnh cô thợ hàn nhỏ bé và yếu mềm như chiếc lá.
Qua hình ảnh so sánh tương phản này, hình ảnh cô thợ hàn không bị át đi mà lại được tôn lên, với vẻ đẹp vừa chắc khỏe, vừa đầy mơ mộng. Đặc biệt là từ “nẩy”, đã thể hiện được cái sinh khí mãnh liệt từ bên trong, nên chiếc lá mới đâm chồi nảy lộc xanh tươi, trên vật thể kim loại sắt thép cứng rắn. Hình ảnh thơ, rất thực đấy mà cũng là huyền ảo đấy, đến mức không khác gì chuyện huyền thoại:
Từ tay em, những tia lửa bay xa
em thành trung tâm muôn ngàn sao sa.
Những tia lửa hàn, được nẩy sinh từ bàn tay cô gái, tỏa ra muôn sắc màu, bao trùm lên tất cả, làm cho dáng hình cô trở nên rực rỡ.
Để thể hiện cho được vẻ đẹp lộng lẫy của hình ảnh này, tác giả đã dùng hình thức suy tưởng, kết hợp với so sánh và phóng đại: Trong giây lát, cô gái nhỏ bé, bỗng trở thành lớn lao, chẳng khác gì một ngôi sao trung tâm của trời sao.
Cái nền của bức điêu khắc cao rộng kia, đã hóa thành nhỏ bé và bị xóa nhòa. Cô đã trở thành dấu nối trong không gian, giữa trời đêm và mặt đất:
Nối liền trời và đất.
Qua việc gợi tả về công việc lao động bình thường, tác giả đã gửi vào đó lời ngợi ca vẻ đẹp của người lao động bình dị. Từ một cô thợ hàn nhỏ bé, bỗng vụt lớn lên, ngang tầm vóc lớn lao của tạo vật trong vũ trụ. Không chỉ có thế, mà xét về phương diện xã hội, cô cũng là dấu nối:
Nối liền ước mơ và sự thật.
Nhìn lại những chặng đường lịch sử mà dân tộc ta đã đi qua, thì vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, miền Bắc đã hoàn thành kế họach: Hàn gắn vết thương chiến tranh và bước vào kế hoạch xây dựng năm năm lần thứ nhất.
Tất cả mọi miền quê, đang từ những mái tranh nghèo xiêu vẹo, dột nát, bỗng vụt hiện ra những ngôi nhà sáng choang với cửa gương, tường xây, ngói đỏ. Trước niềm vui tươi mới này, nhà thơ Xuân Diệu, đã cất lên tiếng reo, ca ngợi ước mơ của muôn người đang trở thành hiện thực, qua bài thơ “Ngói mới”:
“…Mái nhà máy mới, mái nhà thương,
Mái chợ xum xuê, lại mái trường.
Ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ
Xây nên không khí những tòa gương
Tôi đi trên đất nước thân yêu
Không biết bao nhiêu, chỉ biết nhiều:
Ngói mới
Muốn trùm hạnh phúc dưới trời xanh,
Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành:
Ngói mới!”
Đến những năm tám mươi này, đất nước đã đi qua chiến tranh, tuy còn nghèo, nhưng đã và đang vươn tới những tầng cao mơ ước “xây cho nhà cao cao mãi” Do đấy, hình ảnh cô thợ hàn trên khung nhà cao tầng, chính là hình ảnh của ước mơ đang được hiện thực hóa.
Xét về phương diện thời gian, thì hình ảnh cô thợ hàn cũng là dấu nối trọng đại:
Nối liền hôm nay và ngày mai.
Hôm nay, còn là những công trường còn ngổn ngang xi măng, sắt thép, còn đầy cát bụi và nồng nặc mùi vôi vữa, nhưng ngày mai sẽ là những tòa lâu đài tráng lệ, với những hàng cây xanh trước nhà, con chim sẽ tìm đến hót, con ong sẽ đến tìm hoa…
Tất cả vẻ đẹp rực rỡ của tương lai, đầu bắt đầu từ bàn tay của người con gái và đốm lửa hàn đêm nay.
Ngôn từ của đoạn thơ này không phải là những mĩ từ, mà chỉ là lời nói thường ngày. Hai từ “nối liền”, được lặp đi lặp lại tới ba lần, tưởng như nhạt nhẽo, nhưng thực ra lại thể hiện một hồn thơ bay bổng, đầy lãng mạn.
Chất thơ ở đây, không nằm trong ngôn từ mà thể hiện trong suy tưởng về cuộc sống, nhà thơ đã lựa chọn. Mạch thơ đang từ việc thể hiện cảm xúc khách quan, về đối tượng trữ tình bỗng bất ngờ chuyển sang cảm xúc chủ quan, của chủ thể trữ tình:
Chắc em không ngờ đêm đêm dưới bóng cây
có một chàng trai, chính là tôi đây
đứng lặng im tôi ngắm
em hiện ra trong muôn ngàn sao bay
Hình ảnh em hiện ra trong muôn ngàn sao bay, đẹp quá và lãng mạn quá, đã trở thành trung tâm của cuộc sống đêm đêm. Chắc không chỉ có một mình thi nhân, đứng lặng dưới bóng cây ngắm nhìn, với tấm lòng ngưỡng mộ, mà có cả biết bao người, sống quanh đấy. Giá thi nhân đừng lộ mình ra để cho cô thợ hàn biết được qua lời nhắn gửi, thì có lẽ kết thúc của bài thơ sẽ thơ hơn.