Tháng 8/2015, bà Hằng được thông báo trong danh sách giáo viên đi học nâng chuẩn, theo trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo thì giáo viên THPT ở TPHCM phải có chứng chỉ quốc tế mới đạt chuẩn, nên dù bà đã có Chứng chỉ C1 do Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cấp thì vẫn phải học để lấy chứng chỉ quốc tế IELTS hoặc FCE.
Trước khi thi lấy chứng chỉ tại Đại học Sư phạm TPHCM, bà Hằng đã tìm hiểu và được biết trường này là một trong những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp chứng chỉ tương đương B1, B2, C1 theo khung tham chiếu châu Âu.
Bà Hằng cũng trực tiếp đến trường Đại học Sư phạm TPHCM và được trường khẳng định rằng, chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Hằng đề nghị giải đáp, chứng chỉ giáo viên dạy Tiếng Anh bậc THPT quy định như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:
Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận 10 cơ sở giáo dục đào tạo được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, danh sách như sau:
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường Đại học Hà Nội
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng
- Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
- Trung tâm SEAMEO RETRAC
- Đại học Thái Nguyên
- Trường Đại học CầnThơ
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- Trường Đại học Vinh
(Thông báo Kết luận số 826/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011; số 896/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011; số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013)
Những giáo viên được các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cấp chứng chỉ ngoại ngữ (theo Khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam) đều được công nhận và tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh mới theo Công văn số 792/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 25/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông.