Cơ sở dữ liệu thị trường lao động tăng cường kết nối cung cầu

GD&TĐ - Bộ LĐTB&XH phối hợp Bộ Công an để kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người lao động tìm việc tại ngày hội việc làm được tổ chức ở Hà Nội.
Người lao động tìm việc tại ngày hội việc làm được tổ chức ở Hà Nội.

Khẳng định sự cần thiết

Tại hội thảo về thông tin thị trường lao động (TTLĐ) phục vụ phân tích và dự báo về nhu cầu lao động, TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, thông tin TTLĐ là rất quan trọng đối với cả Chính phủ, các địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động, vì vậy việc xây dựng cơ sở dữ liệu là rất cần thiết.

Hiện, Cục Việc làm đang xây dựng và đề nghị các địa phương cũng sớm triển khai.

Các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin liên thông, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường, chuyên gia để xây dựng cơ sở dữ liệu về TTLĐ đảm bảo độ tin cậy, đồng thời phát huy hiệu quả của các cơ sở dữ liệu này.

Theo TS Vũ Trọng Bình, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu TTLĐ sẽ giúp các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả TTLĐ; nắm bắt được cung - cầu, những biến động để phân tích, dự báo sát; xây dựng hợp lý chính sách việc làm, chính sách hỗ trợ, kế hoạch, giải pháp, cũng như các cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp, tư nhân phát triển…

Doanh nghiệp nắm bắt được để có kế hoạch xây dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động và người lao động biết được nhu cầu, việc làm phù hợp.

Ưu tiên lao động nghèo

Trong năm 2022, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn thu thập, lưu trữ thông tin TTLĐ nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu về TTLĐ và Thông tư số 11 hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là hai văn bản quan trọng làm cơ sở triển khai thu thập, cập nhật, xây dựng hệ thống thông tin TTLĐ.

Tại Thông tư 11 hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ LĐTB&XH đã hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc cho lao động thuộc hộ nghèo.

Người lao động, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo… được hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc, quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.

Trong đó, cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về người đang tìm việc làm và nhu cầu về việc làm mong muốn; thông tin về người sử dụng lao động đang có nhu cầu tuyển dụng lao động và vị trí việc làm mà người sử dụng lao động đang tuyển, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin, được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc do Bộ LĐTB&XH xây dựng, quản lý thống nhất, gồm: Cơ sở dữ liệu việc tìm người, cơ sở dữ liệu người tìm việc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia

Trong Tiểu dự án hỗ trợ phát triển TTLĐ - việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ LĐTB&XH đang triển khai các hoạt động về phân tích, dự báo TTLĐ, như xây dựng mô hình, phương pháp dự báo, xây dựng các báo cáo phân tích chuyên sâu về các khía cạnh của TTLĐ làm cơ sở điều tiết, quản trị TTLĐ.

Thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển hệ thống thông tin TTLĐ và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo nhằm kết nối cung cầu lao động tại Nghị quyết số 06 của Chính phủ.

Hiện Bộ LĐTB&XH đã phối hợp Bộ Công an để từng bước kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những giải pháp cụ thể được đề ra như xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội.

Thiết lập hệ thống thông tin và dự báo TTLĐ đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề, cấp trình độ phục vụ người lao động, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Quy hoạch, đầu tư phát triển hiện đại hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển TTLĐ; đóng vai trò đầu mối thông tin, điều phối, hỗ trợ và quản trị TTLĐ trên địa bàn.

Cùng với đó, đã triển khai xây dựng dự án “Tăng cường kết nối cung - cầu lao động” thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở tăng cường kết nối cung - cầu lao động.

Nhiều hoạt động phân tích, dự báo cũng đã được tiến hành để cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia TTLĐ cũng như hoạt động đào tạo giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường. Đó là, thường xuyên cập nhật bộ dữ liệu đầu vào phục vụ công tác phân tích, dự báo, phối hợp các bộ, ngành, các trường đại học trong nước... để cùng nghiên cứu, khai thác, phân tích dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm làm công tác dự báo. Song song với đó xây dựng các sản phẩm báo cáo dự báo TTLĐ.

Nhiều hoạt động thu thập thông tin đã được triển khai thông qua điều tra, khảo sát, báo cáo hành chính tổng hợp của các tỉnh, thành phố.

Từ hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức thu thập thông tin về TTLĐ thông qua các phiếu đăng ký tư vấn, tìm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Thông tin từ cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động giúp cho việc quản lý lao động và doanh nghiệp tại địa phương, là cơ sở tính toán, báo cáo định kỳ các chỉ tiêu về TTLĐ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ