Trại lợn quy mô lớn hoạt động trong khu vực đất Quốc phòng (đất T34) ở xóm Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh có nhiều dấu hiệu sai phạm, nguy cơ xảy ra các vấn đề về môi trường.
Cụ thể, trang trại lợn trên có quy mô hơn 2000 con lợn thịt, 200 con lợn nái, được cho là của bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1980, trú xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) làm chủ.
Người dân khiếp sợ khi từng chứng kiến trang trại lợn trong đất Quốc phòng ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc xả thải khủng khiếp ra môi trường (Video do người dân cung cấp). |
Trại lợn trên hoạt động với quy mô lớn nhưng lại nằm ở khu vực đầu nguồn nước, khoảng cách đến nơi người dân sinh sống không đảm bảo. Một số vấn đề về giấy phép, pháp lý liên quan đến đất Quốc phòng cần được làm rõ.
Ông Lê Ngọc Huấn – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, sau khi nắm được thông tin báo GD&TĐ phản ánh, Sở đã giao các đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Còn Đại tá Nguyễn Trọng Tranh – Trưởng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Tôi đã nắm được thông tin báo nêu và đang cho các cán bộ khảo sát, nắm bắt tình hình".
Trại lợn nằm vị trí đầu nguồn nước chảy về đập Vực Trống, trong đất Quốc phòng, cạnh Trạm Hậu cần T34 và cách nơi sinh sống khoảng 500m. |
Mong sớm thoát khỏi nỗi ám ảnh
Sau khi Báo GD&TĐ phản ánh, nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi trại lợn nêu trên đã tiếp tục liên hệ, cung cấp cho PV thêm thông tin, đồng thời mong muốn sớm thoát khỏi cảnh bị “tra tấn” bởi trại lợn này.
Ông Phan Đình Huân (xã Gia Hanh, Can Lộc) cho biết, vị trí trại lợn nằm ở đầu nguồn con khe, nước chảy thẳng về đập Vực Trống. Đập này cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân xã Gia Hanh, Thượng Lộc, Phú Lộc… nhưng từ khi có trại lợn không ai dám sử dụng nữa.
“Mới đây, họ làm thêm hệ thống hồ lọc và bể bioga nên đỡ hơn, chứ các năm trước, thậm chí cách đây ít tháng trại lợn trên xả thải đen kịt, hôi thối kinh khủng. Nước đập Vực Trống bây giờ thỉnh thoảng chỉ dùng để tưới cây, không dám lội xuống chứ nói gì đến tắm giặt”, anh Huân nói.
Cũng theo anh Huân, trại lợn cách gia đình anh và khoảng 7 hộ dân sinh sống khoảng 500m, nên mỗi khi đổi gió, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhiều hôm cơm cũng không thể ăn nổi.
Hình ảnh người dân cung cấp cho rằng cách đây ít tháng, nước của trại lợn đen đặc xả ra khe nước chảy về đập Vực Trống (Ảnh cắt từ clip). |
"Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với trang trại và cả chính quyền nhưng đâu lại vào đấy. Mong rằng các ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý đối với trang trại lợn trên chứ tình trạng thế này người dân chúng tôi không biết phải chịu cảnh "tra tấn" đến bao giờ", anh Huân nói.
Trước đó, như Báo GD&TĐ đã thông tin, chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Hoa và được bà này cho biết, chủ trang trại là Phòng hậu cần Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh, bà chỉ được thuê làm kỹ thuật. Về vấn đề môi trường, bà trực tiếp làm việc tại đó, theo luật chăn nuôi thì các hệ thống bảo vệ môi trường đều thực hiện đầy đủ.
Trong khi đó, một số cán bộ tại Trạm Hậu cần T34 cho hay, khu vực trại lợn trước đây lực lượng hậu cần của Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh xây dựng chuồng trại để chăn nuôi tăng gia với số lượng ít. Sau khi bà Hoa thuê lại đã đầu tư quy mô lớn chăn nuôi khoảng trên 2.000 con lợn thịt và 200 con lợn nái.
Còn anh V. - một công nhân từng làm việc tại trại lợn trên cho hay, trại do bà Hoa làm chủ, có quy mô khá lớn, có hơn 10 công nhân, không có quân nhân nào làm việc tại đó cả.
Theo một cán bộ ở đơn vị tăng gia sản xuất của quân đội tại Hà Tĩnh, nếu nội dung phản ánh đúng thực tế như vậy thì việc trại lợn hoạt động là sai quy định theo Chỉ thị 31 của Bộ Tổng tham mưu trưởng Bộ quốc phòng. Có thể nói là sử dụng đất Quốc phòng sai mục đích.
Tuy nhiên, để làm rõ các nội dung trên, PV Báo GD&TĐ đã nhiều lần đặt lịch làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, nhưng với nhiều lý do, đơn vị này chỉ hẹn sẽ cung cấp thông tin sau.
Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.