Cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không?

GD&TĐ - Năm 2017 có đại biểu hỏi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao: trong các cơ quan bảo vệ pháp luật có tiêu cực, tham nhũng không? Câu trả lời là phải xem kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra VKSND tối cao như thế nào.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao do Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trình bày sáng nay (13/11) đã làm rõ câu trả lời như sau:

Công tác điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có chuyển biến rõ nét về chất.

Cụ thể, trong năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện khởi tố điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%; trong đó có 3 vụ án “Dùng nhục hình” dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%.

Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. Số tiền tham ô, nhận hối lộ chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng.

Qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 55% trên tổng số tiền phải thu hồi là 12,37 tỷ đồng.

Trong kỳ, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã ban hành 104 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tăng 21 kiến nghị (25,3%), gồm:

40 kiến nghị đối với cơ quan Công an các cấp, 26 kiến nghị đối với Tòa án các cấp, 24 kiến nghị đối với Cơ quan Thi hành án dân sự các cấp, 10 kiến nghị đối với Viện kiểm sát địa phương và 4 kiến nghị đối với các ngành khác.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tổng hợp những vi phạm phổ biến, ban hành 3 kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm; được các bộ ngành, tiếp thu và quán triệt thực hiện trong toàn ngành, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp và đáp ứng một bước yêu cầu làm trong sạch các cơ quan tư pháp của Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ