Có những nét Huế 'chẳng nơi nào có được'

GD&TĐ - Dù chỉ một lần được đến với miền đất xinh đẹp, mộng mơ của xứ Huế thân thương với “Vẻ đẹp ấy chẳng nơi nào có được. Nét dịu dàng xen lẫn trầm tư” ta cũng không bao giờ có thể quên được cảnh vật và con người nơi đây...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Để rồi ta phải “xin chào Huế một lần anh đến. Để ngàn lần anh nhớ trong mơ” như nhà thơ Thu Bồn đã thể hiện trong bài “Tạm biệt” tuyệt hay về Huế.

Vẻ đẹp đến mê hoặc ấy là cảnh vật thâm trầm mà quyến rũ, là phong thái nhẹ nhàng của người Huế, là tất cả những gì làm nên nét Huế.

“Huế mơ mộng, Huế trữ tình

Đến với Huế ngỡ mình đang yêu…”

Chính sông Hương đã vẽ nên một nét Huế kiêu sa bên núi Ngự huyền thoại để thi nhân Bùi Giáng có thể tự tin nhấn nhá:

“Dạ thưa xứ Huế bây chừ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.

Dòng Hương Giang duyên dáng trải mình giữa thành phố, huyền bí, sâu thẳm. Dòng sông mà Thu Bồn đã nhận ra vẻ rất đặc biệt làm nên nét Huế “Con sông dùng dằng, con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Để khi ai đó cất lên lời hát da diết “dòng sông ai đã đặt tên để người đi nhớ Huế không nguôi…”. Nối hai bờ sông là những vườn cây trái xanh tươi, trù phú mà Hàn Mặc Tử đã thốt lên “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” trong bài thơ nổi tiếng “Đây thôn Vĩ Dạ”.

Nét Huế bật lên từ những ngôi nhà vườn xanh mát, yên bình; là tính cách thanh cao của người Huế. Từ tiếng dạ thưa ngọt ngào, dáng vẻ thanh toát, khiêm nhường… đã làm nên những phẩm chất đặc trưng chỉ có ở người Huế. Ẩn dưới vẻ ngoài dường như có phần yếu mềm đó thực chất là những con người rất bản lĩnh, kiên cường, rất Huế để Trần Dạ Lữ đã nhận ra vẻ hiếm có của người Huế:

“Dù ở đâu không thể nào lẫn được

Đôi mắt em thăm thẳm mộng bên trời

Dù đi đâu cũng không thể nào xa được

Mắt Huế - xưa…

Áo tím Huế bay trong chiều lục - bạch,

Dù ở đâu tôi không thể nào

Mắt - Huế - em ngái ngút vẫn đâm gần”.

(Mắt Huế)

Nét Huế được thể hiện rõ từ lời ăn tiếng nói, vẻ lịch lãm trong con người Huế. Nét Huế này đã được chắt lọc, kết tinh từ bao đời nay, từ chính mảnh đất xinh đẹp, quyến rũ… đã tạo nên những phẩm cách Huế hào hoa, thủy chung.

Người Huế làm gì cũng khéo léo, giỏi giang và rất cẩn trọng. Nét đẹp dịu dàng, mảnh mai của các cô gái Huế xinh đẹp đã làm say đắm bao chàng trai: “Học trò xứ Quảng đi thi. Thấy cô gái Huế bước đi không đành” cũng là vậy. Chắc hẳn vẻ đẹp của các cô gái Huế do chính trời đất hữu tình tạo ra, làm ngây ngất bao người khi được ngắm nhìn vẻ quyến rũ đó:

“Bay bay tà áo mây chiều

Thướt tha vóc liễu, yêu kiều mộng mơ”

Hay:

“Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức

Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài

Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm

Thêm mây vào e tan.

(Giọng Huế - Tô Kiều Ngân )

Nét Huế chính là nét đẹp đến nao lòng của phong cảnh nên thơ, nên nhạc; của con người nên Huế mãi mãi là hồn thơ, là nhạc, là thương nhớ khôn nguôi:

“Huế có già mô mà níu kéo thời gian

…Nhiều tang thương nên Huế

Sông, nước, biển, trời… nơi mô cũng có

Những não nùng làm Huế đẹp rưng rưng

Khi ở Huế thấy Huế buồn chi lạ

Xa Huế rồi thấy Huế quá mênh mông.

(Trần Kiêm Đoàn)

Từ bao đời nay Huế đã đẹp, nay vẫn rất đẹp. Vẻ đẹp đó không phôi phai theo tháng ngày mà càng ngày càng được tô điểm thêm cùng thời đại mới. Kể từ lần đầu tiên festival Huế được tổ chức vào năm 2000, đến nay năm 2022, lễ hội đặc sắc này lại tưng bừng trên thành phố Huế cũng như trong đại nội cổ kính.

Với các chương trình như “Ngày hội hương sắc Hương Bình”, “Di sản và sắc màu văn hóa”, “Đêm phương Đông”, “Đêm Asean”, “Đêm Hoàng cung”… đã làm sống lại một không gian tràn ngập sắc màu của Huế, làm sống lại những nét Huế đặc sắc thu hút nhiều khách khắp nơi đến với xứ Huế diễm lệ, mê hồn người.

Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, là một sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại Huế vào các năm chẵn nhằm mục đích tưởng nhớ về những giá trị truyền thống tại cố đô Huế.

Festival Huế 2022 diễn ra từ ngày 25 - 30/6 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” Tuần lễ Festival Huế 2022 có nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội quy mô, độc đáo, hoành tráng với 8 chương trình chính và nhiều hoạt động hưởng ứng bên lề.

Và trong mỗi lần được đến thăm Huế, cảm nhận được nét Huế trong phong cảnh, trong con người cố đô là mỗi lần ta có những trải nghiệm mới, những ấn tượng mới về một miền đất của các ngai vàng quyền qúy, của các danh gia vọng tộc làm nên cốt cách, làm nên nét Huế. Trong “Một lần về thăm Huế”, Yên Sơn cũng đã có những tình cảm như vậy về Huế:

“Thăm núi Ngự, sông Hương, cầu Gia Hội

Viếng Nội thành, bến Thừa phủ, Kim long

Ngẩn ngơ nhìn trong một chuyến về thăm

“Thấy Huế đẹp, Huế thơ nên quyến luyến”.

Nét Huế trong bao sắc màu của lễ hội, trong màu rêu phong phủ trên các tòa thành Đại nội, trong các lăng tẩm liêng thiêng nơi các vị vua đang yên nghỉ giấc ngàn thu, nơi các tà áo dài của nữ sinh bay trong nắng chiều xứ Huế, nơi dòng sông Hương huyền thoại đang khoe vẻ đẹp kiều diễm dưới cầu Tràng Tiền, nơi giọng hò da diết đang vang vọng từ xa thẳm… để ai đã chỉ một lần dừng chân nơi đây đều mong ước trở lại với hoài vọng:

“Cho tôi đêm trăng thành nội

Cho tôi dịu dàng sông Hương…”

Để cùng nét Huế ta

“Trải lòng chút Huế đê mê

Đông ba đón gió thu về hương bay

Tràng Tiền bóng ngả chiều nay

Thướt tha tà áo tháng ngày trinh nguyên

Văn lâu soi bóng hương tuyền

Ru buồn Vĩ Dạ tơ duyên ngọt bùi

Nam ai lấy giọng bùi ngùi

Nam bình vang vọng tin vui đợi chờ”.

(Huế ơi - Sông Hương)

Cùng với tâm trạng của nhà thơ đất Quảng Thu Bồn, ta tạm biệt Huế trong thương nhớ, rưng rưng và mong có ngày trở lại với những nét Huế thật đẹp đã làm rung động hồn ta cùng bao kí ức đẹp như Huế vậy:

“Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt

Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya

Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng

Ta trở về hóa đá phía bên kia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.