Có nhất thiết phải chặt cây phượng trong trường học?

Có nhất thiết phải chặt cây phượng trong trường học?

Sáng 26/5, một cây phượng cao khoảng 10m trong sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) bất ngờ bị bật gốc, đè trúng nhiều học sinh của lớp 6/8 khiến em Nguyễn Trung K. thiệt mạng và 12 em khác bị thương được đưa đi cấp cứu.

Tiếp đến, sáng sớm ngày 28/5, một cây phượng cổ thụ có đường kính khoảng 1m, chiều cao khoảng 10m, tán rộng bị bật gốc, ngã đổ trong sân Trường Cao đẳng nghề Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Rất may thời điểm cây phượng đổ, học sinh chưa đến lớp nên không có thiệt hại về người.

Và mới đây, chiều 29/5, tại trường Tiểu học Thái Hòa A, ở phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, một cây phượng có chiều cao khoảng 15m, gốc cây có đường kính gần 1m bật gốc đổ ngay sát cổng trường khiến học sinh, phụ huynh lo sợ.

Sau những sự cố này, một số hiệu trưởng ngay lập tức cho chặt cây phượng ở trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Người ta thẳng tay chặt cả cây cổ thụ lẫn cây đang trưởng thành tươi tốt khiến nhiều người tiếc nuối. Thế nhưng, đây là cách làm máy móc, cạn nghĩ, chỉ mang tính phòng ngừa tai nạn học đường mà thiếu cơ sở khoa học.

Theo tìm hiểu của tôi, có hai nguyên nhân chính khiến cây phượng cổ thụ gãy đỗ vào thời điểm này.

Thứ nhất, những trường học đã thành lập lâu năm – khoảng trên 40 năm thì sân trường có nhiều cây phượng cổ thụ. Phượng sinh trưởng tốt, thân to, có khi một người ôm không xuể. Cây cao hàng chục mét, cành lá sum suê, tán rộng nhưng bên trong có khi thân bị rỗng ruột do sâu bệnh gây ra. Và khi gặp mùa mưa bão, gió giật mạnh thì cây có thể gãy ngang bất cứ lúc nào.

Thứ hai, đó là tình trạng ép cây lớn, để cây cho bóng mát, nhanh ra hoa mà không kiên nhẫn chờ đợi – thường gặp nhất là những trường vừa xây mới. Phần sỏi, đá, xà bần... được san ra khu vực sân trường, hai bên hông trường, sau trường. Phượng chỉ được trồng sau khi các hạng mục xây dựng đã hoàn tất.

Trên nền bê tông, một dãy hố sâu lắm cũng chỉ 40-50cm được đào lên, đổ đất vào và trồng cây phượng. Thường thì cây được trồng là cây đã lớn sẵn, bứng từ nơi khác về, sau đó cắt bỏ bớt phần rễ, lá cành và trồng xuống. Rễ non không thể đủ sức chọc thủng vỉa đá, bê tông vụn bên dưới để cắm sâu vào đất thành rễ cọc vững chãi. Phần rễ ngang bò ra xung quanh cũng dễ bị tỉa bớt cho gọn, dễ “đưa vào khuôn khổ” là những bồn cao hơn mặt bằng nơi cây trồng.

Phượng mới trồng xuống thì không sao, nhưng một thời gian tán cây sẽ lớn rộng ra, nặng hơn nhiều so với khả năng trụ đỡ của gốc cây được “cắm” sơ sài, nổi trên một ụ đất. Chỉ cần một cơn mưa lớn, một trận gió mạnh, cây sẽ bật gốc gãy đổ và tai nạn xảy ra sẽ là điều khó tránh.

Vậy nên, nhà trường nên mời chuyên gia đánh giá hiện trạng của phượng để có quyết định cuối cùng nên chặt hay không. Với những cây cổ thụ bị sâu đục thân, dứt khoát phải chặt bỏ vì tiềm ẩn nguy cơ gãy đỗ cao. Những cây phượng lớn không được trồng từ cây con thì cần cắt, tỉa đúng kĩ thuật và chống đỡ chắc chắn vào mùa mưa bão.

Việc một số trường chặt hàng loạt phượng mà chưa đánh giá hiện trạng của cây thì gây lãng phí vô cùng – lãng phí cây xanh, thời gian trồng lại cây và cả tiền bạc. Phượng trồng hàng chục năm mới sinh trưởng tốt, che bóng mát và ra hoa đẹp. Thử nghĩ, trường thiếu cây xanh thì học sinh sẽ tránh nắng chỗ nào – nhất là vào những ngày hè oi ả.

Chưa kể, cây xanh trong trường học – trong đó có phượng, là tài sản công cũng như cơ sở vật chất được giao cho hiệu trưởng quản lí. Vì vậy, lãnh đạo không thể tự ý cho chặt phượng mà phải thông qua Phòng, Sở Giáo dục, kể cả Sở xây dựng để những cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định cuối cùng.

Trường học nên trồng phượng con để cây sinh trưởng một cách tự nhiên, rễ bám sâu vào lòng đất thì cây mới vững chãi. Cùng với phượng, nhà trường có thể trồng thêm bằng lăng vì cây phát triển nhanh, độ cao vừa phải và nở hoa màu tím rất đẹp. Hiện nay, nhiều trường cũng trồng xà cừ, lộc vừng hay sa-kê vừa đảm bảo an toàn và cây nhanh cho bóng mát.

Dễ nhận thấy, trường học ở trên khắp mọi miền đất nước ta đều trồng cây phượng vĩ, bởi cây thích hợp với nhiều loại đất, tán lá rộng cho bóng mát và đặc biệt hoa phượng đỏ “như máu con tim” gắn với kí ức của biết bao tuổi học trò. Trường học có thể trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng không thể thiếu phượng vĩ. Bởi không có cây phượng, hè tới không thấy hoa phượng nở thì chẳng khác gì Tết thiếu hoa mai, hoa đào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.