Nhạc sĩ bẩm sinh
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh năm 1922 tại Hải Dương. Vì năm đó nhuận (hai tháng 5) nên cha ông đặt luôn tên Đỗ Nhuận cho ông. Thuở nhỏ, Đỗ Nhuận sống nhiều năm ở Hải Phòng, nơi cha ông bị bắt làm lính kèn cho Tây.
Trong hồi ký của mình, Đỗ Nhuận cho biết những ấn tượng “âm nhạc” đầu đời về quãng thời gian ấy: “Những âm thanh mà tôi được tiếp cận là tiếng còi máy tơ, máy xi măng; còi tàu khi cập bến và rời cảng; những tiếng kèn đồng, tiếng trống ngũ liên mỗi khi làng có hội; và tiếng hát xẩm của những người hành khất.
Chính những âm thanh đời thường ấy đã thấm sâu vào tâm hồn, tạo cho tôi phong cách trong sáng tác”.
13 - 14 tuổi, Đỗ Nhuận tự học các nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu… Năm 17 tuổi, đến dự lễ kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (tại Hải Dương), lòng tràn cảm xúc, Đỗ Nhuận sáng tác nên ca khúc đầu tay có tên Trưng Vương.
Khoảng đầu năm 1940, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với công việc thường làm là in, rải truyền đơn. Năm 1943, ông bị Pháp bắt giam và tuyên án 3 năm tù.
Trong tù, Đỗ Nhuận được tiếp xúc với những nhà hoạt động cách mạng như Hoàng Văn Thụ, Xuân Thủy, Đỗ Mười…, ông đứng ra thành lập ban-nhạc-tù-nhân nhằm giải trí cũng như động viên các bạn tù.
Các thành viên trong ban nhạc biết cách chế tác nhạc cụ bằng những chất liệu đơn sơ như lấy vỏ quả bầu khô làm thùng đàn măngđôlin, mặt đàn mài từ thùng gỗ thông của hộp đựng cơm, cần đàn đẽo từ cây củi, bàn phím đàn làm từ ống bơ, dây đàn làm từ dây phanh xe đạp và dây điện, vĩ kéo xin từ tóc tù nhân nữ…
Bản thân Đỗ Nhuận cũng sáng tác một số bài hay như Chiều tù, Quảng Châu công xã, Côn Đảo, Hận Sơn La, Viếng mồ tử sĩ... Ngày 1/5/1944, Hoàng Văn Thụ bị đưa ra hành quyết. Được tin này, một bạn tù đã đứng lên ngâm to bài thơ Chặt xiềng của ông, còn Đỗ Nhuận thì thổi tiêu đệm theo. Tiếng ngâm thơ và tiếng tiêu vang khắp các gian tù thật hào hùng.
Nhạc sĩ Trọng Bằng kể: “Khi nhỏ tôi theo gia đình lên sống ở Mộc Châu và tại đó, tôi đã có lần ra đón và xem một đoàn tù chính trị bị giải bộ lên Sơn La, trong đó có Đỗ Nhuận, và lại còn được nghe đoàn hát Hò La, Cờ Việt Minh, Quảng Châu công xã, Mặc niệm đồng chí... Ở tuổi ấu thơ, hình ảnh đoàn tù nhân với xiềng xích trên người vẫn vừa đi vừa hát... đọng mãi trong ký ức tôi”.
Đầu 1945, Đỗ Nhuận ra tù, ông tìm cách liên lạc với các nhạc sĩ đã đi theo cách mạng như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao... Trước tổng khởi nghĩa 1945, ông thường xuyên xuống đường hướng dẫn mọi người cùng tập hát những bài ca cách mạng bên cạnh công việc sửa bản in cho báo Cứu quốc.
Khi tổng khởi nghĩa thành công, Đỗ Nhuận tham gia đoàn kịch Anh Vũ, đi biểu diễn ở nhiều nơi như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương… và sáng tác sung mãn nhờ cảm hứng khí thế những ngày đầu cách mạng.
Năm 1957, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập, Đỗ Nhuận vinh dự được bầu làm Tổng Thư ký đầu tiên (kéo dài cho đến năm 1983). Từ năm 1960 đến 1962, ông học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ).
“Trong khoảng thời gian hai năm thực tập tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Mátxcơva, Đỗ Nhuận đã làm việc hết sức mình để vươn lên cho ngang tầm âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. Khó có thể tưởng tượng được một người tù chính trị những năm đầu 1940 phải xiềng chân đi bộ, hát mấy bài ca Cách mạng ngắn gọn, giờ ngồi bên piano đánh bản sonat số 21 có tên gọi là Rạng đông của Beethoven một cách quy củ đến vậy!
Người ấy, ngày xưa ở trong tù, có lúc phải tìm gáo dừa để làm đàn nhị, tìm từng chiếc lá để làm đàn môi... nhằm có tiết mục ca hát động viên đồng chí tiếp tục con đường Cách mạng” - nhạc sĩ Trọng Bằng viết.
Năm 1991, nhạc sĩ Đỗ Nhuận qua đời tại Hà Nội.
Từ trái qua phải: Các nhà thơ Bảo Định Giang, Huy Cận, Tố Hữu, GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Đỗ Nhuận. |
Con người tài hoa
Những năm 1960, nhà văn Bùi Bình Thi về công tác tại Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam đã được gặp và quen biết nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Ông kể về một nét tài hoa của người nhạc sĩ nổi tiếng này như sau: “Nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể cho tôi và lũ nhân viên sàn sàn tuổi tôi bấy giờ rằng đã có thời anh ở trong phường bát âm để thổi kèn cho những đám ma. Anh bảo: “Tao không nói dối đâu. Nghe đây! Lũ nhóc con”, rồi anh lôi trong ba-lô ra một chiếc kèm đám ma (…). Anh nhìn chúng tôi một lượt, rồi nói to với ông chủ nhà vui tính: “Bác Thừng ơi, tôi thổi cái kèn đám ma này để làm thí dụ về âm nhạc, bộ hơi cho cánh trẻ này họ nghe nhé”.
Ông chủ nhà cười vang, đáp: “Vâng, vâng, anh cứ tự nhiên ạ”. Đỗ Nhuận nói với chúng tôi: “Phải cứ xin phép thế, kẻo rồi lúc thổi lên, người nhà hàng xóm lại tưởng nhà này có ma thì khốn”.
Tôi nghe anh nói và nghĩ ngay: “Anh quả là người từng trải...”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói: “Nào, bắt đầu nhé” rồi anh ngậm cặp môi vào lưỡi kèn bóp và hai má anh hơi phồng lên, hai mắt anh nháy nháy cực là tinh nghịch: Tí tí tí tí te te te te tò tò tò tọ tọ tọ tọ tì tì tì tì te te. Ôi chao, nghe cực sướng hai cái lỗ nhĩ. Chúng tôi vỗ tay ran và cười nghiêng ngả.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhả lưỡi kèn bóp, thong thả nói: “Nghĩa của câu nhạc kèn bóp này là - nói ra tiếng nói nhé: ối ối ối ối, cô dì chú bác ơi, ông ấy nhà tôi bỏ bỏ bỏ tôi tôi mà đi rồi rồi rồi”. Chúng tôi gật đầu lia lịa vì thấy sự diễn ý của nhạc sĩ về điệu kèn bóp quả là tài tình.
Có người nào đó bất chợt hỏi: “Anh ơi, thế có thổi được bài Giải phóng Điện Biên của anh bằng kèn bóp được không?”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận liền ngậm ngay lưỡi kèn, nói: “Nghe nhé... Tò tí tò te tò tò te tí te te tò tọ tê tỉ ti”.
Tất cả chúng tôi nhảy cẫng lên mà hoan hô và vỗ đến rát bỏng cả hai bàn tay... Nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói to: “Các chú là hay coi thường nhạc cụ dân gian lắm. Cái gì cũng chỉ thích nhạc Tây, violon, piano, vân vân. Còn nhạc dân gian ta thì coi thường. Ấy là hỏng, là không được, phải biết yêu những gì dân tộc mình có”.
Chúng tôi vỗ tay ran tưởng thưởng điều anh nói và từ buổi tối hôm ấy, với những buổi sinh hoạt văn hóa, âm nhạc sau đó, chúng tôi đã dần dần sáng mắt ra về những kiến thức âm nhạc mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận truyền lại cho chúng tôi”.