Có nên đổi tên 'hộ kinh doanh'?

GD&TĐ - Hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay và chiếm số lượng khá đông đảo - với khoảng 5 triệu hộ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và khắc phục một số vướng mắc khi thi hành quy định về đăng ký hộ kinh doanh, Bộ KH&ĐT đã xây dựng dự thảo Nghị định về hộ kinh doanh và đang lấy ý kiến góp ý.

Hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay và chiếm số lượng khá đông đảo - với khoảng 5 triệu hộ. Khu vực này hàng năm đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội.

Mặc dù vậy, các quy định hiện hành để công nhận và xác định địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh đến nay vẫn chưa rõ ràng. Không có câu trả lời xác đáng nào cho câu hỏi: Hộ kinh doanh là chủ thể kinh doanh như thế nào so với các chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hợp tác xã? Chính vì vậy, việc xây dựng một văn bản quy định về hộ kinh doanh là cần thiết.

Trong quá trình góp ý vào dự thảo Nghị định, một vấn đề gây tranh luận, đó là định nghĩa thế nào “hộ kinh doanh”.

Dự thảo Nghị định đưa ra hai phương án quy định về đối tượng thành lập hộ kinh doanh. Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành, đối tượng thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Phương án 2: Đối tượng thành lập hộ gia đình chỉ là cá nhân.

Việc quy định đối tượng thành lập hộ gia đình là cá nhân, tức phương án 2, là phù hợp về mặt thực tiễn. Bởi lẽ, theo số liệu thống kê của các cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ gia đình đăng ký kinh doanh chủ yếu là cá nhân, rất ít trường hợp do các thành viên gia đình thành lập.

Chẳng hạn, theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, con số thống kê trong tháng 7/2023 cho thấy, trên phạm vi cả nước có hơn 52.417 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, trong đó có 52.317 hộ kinh doanh do cá nhân thành lập và làm chủ (chiếm 99,8%) và chỉ có 110 hộ kinh doanh do các thành viên hộ gia đình thành lập (chiếm 0,2%). Cơ quan thuế hiện nay cũng quản lý hộ kinh doanh theo mã số cá nhân và những xử lý liên quan đối với hộ gia đình đều xử lý đối với cá nhân.

Tuy nhiên, hộ gia đình là chủ thể kinh doanh có tính lịch sử, đã tồn tại rất lâu trong nền kinh tế Việt Nam. Giờ đây, nếu thay đổi về khái niệm hộ kinh doanh có thể tác động đến các quy định liên quan đến hộ gia đình và mọi sự sửa đổi có thể gây ra tranh cãi.

Trước thực tế này, có ý kiến cho rằng việc thay đổi khái niệm “hộ kinh doanh” cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Trước mắt, lựa chọn phương án 1, giữ nguyên như quy định hiện hành nhưng về lâu dài nên quy định theo phương án hai, tức hộ kinh doanh là chỉ do cá nhân thành lập.

Vậy nhưng, cũng có ý kiến đề xuất sẵn dịp này nên mạnh dạn đổi tên khái niệm hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh. Bởi đây vừa là thông lệ quốc tế vừa là thực tế ở nước ta - đại đa số hộ kinh doanh được thành lập bởi cá nhân chứ không phải do các thành viên cùng gia đình ngồi lại bàn bạc với nhau và cử ra một người đại diện để thành lập.

Lựa chọn cuối cùng tất nhiên thuộc về Ban Soạn thảo Nghị định. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và các giải thích tường tận, việc đổi tên hộ kinh doanh thành cá nhân kinh doanh có lẽ cũng không quá khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo muốn Al Nassr chiêu mộ Bruyne

Ronaldo muốn Al Nassr chiêu mộ Bruyne

GD&TĐ - Cristiano Ronaldo đã yêu cầu các ông chủ CLB Al-Nassr đưa ra lời đề nghị với số tiền mà ngôi sao Kevin De Bruyne không thể từ chối.