Khi tham vấn về việc nhận diện tiềm năng, thế mạnh và đánh giá nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, doanh nghiệp cho rằng, nếu Hà Nội không tích cực xây “tổ”, tạo môi trường sáng tạo thì không thể tính tới việc phát huy nguồn lực và thu lợi từ ngành công nghiệp đặc thù này.
Lãng phí nguồn lực
Nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đã bày tỏ sự tiếc nuối trước việc Hà Nội để lãng phí nguồn lực cho việc phát triển công nghiệp văn hóa suốt hàng chục năm qua. Đó là, một “ngôi nhà” rộng lớn 3.300km2 với hơn 8 triệu dân, trong đó 51,7% dân số trẻ - một thị trường tiêu thụ tiềm năng các sản phẩm công nghiệp văn hóa nội địa.
Một Thủ đô văn hiến hơn 1.010 năm tuổi ôm chứa hơn 5.900 di tích di sản văn hóa vật thể, gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 18 di sản thiên nhiên, gần 1.200 lễ hội mới và sự kiện, 1.350 làng nghề cùng hệ thống cơ sở vật chất và không gian văn hóa được tập trung ở nội đô như 20 nhà hát; 18 bảo tàng; hàng trăm thư viện…
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội là nơi gặp gỡ Đông – Tây nên sự đa dạng các tài nguyên văn hóa này có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người.
Cùng với đó, Hà Nội còn là nơi tập trung hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sự gia tăng về số lượng các tổ chức giáo dục với kết cấu hạ tầng hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ…
Chính vì vậy, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, Hà Nội sẽ có tiềm năng trở thành thành phố công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Tuy nhiên, cũng theo bà Phương, đối với một số ngành, việc chuyển đổi từ tài nguyên mềm thông qua lựa chọn các thành tố phù hợp tạo nên chuỗi giá trị sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng thu hút, hấp dẫn, lôi cuốn thị trường văn hóa trong và ngoài nước như một dạng chuyển hóa thành công của sức mạnh mềm văn hóa đã chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Cùng với đó, trong vài năm gần đây, môi trường thể chế của Hà Nội dù đã có nhiều thay đổi, giảm bớt tình trạng manh mún, tự phát, thiếu kiểm soát trong hoạt động của các ngành văn hóa, nhưng cho đến thời điểm này, chưa tạo được sự đột phá có khả năng giải phóng được sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên, các thành tố văn hóa với khoa học công nghệ.
“Việc đổi mới thể chế của Hà Nội chưa quyết liệt trong việc mở cửa cho việc đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, cũng như phá vỡ các rào cản thể chế nhằm hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa.
Mặt khác, mặc dù, công nghiệp văn hóa từ lâu đã được các nước phát triển coi là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng trong nhận thức của nhiều người Việt Nam lại là khái niệm tương đối mới và việc coi là một ngành kinh tế xanh vẫn vấp phải định kiến”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.
GS.TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng đánh giá: “Lịch sử cho thấy, Hà Nội là vùng đất hội nhập và hội tụ những giá trị văn hóa. Hà Nội đã được ghi danh là thành phố sáng tạo. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là miền đất, thị trường lý tưởng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sản phẩm giáo dục văn hóa dựa trên di sản”.
Thế nhưng, bà Lý đã bày tỏ không ít tiếc nuối khi các sản phẩm văn hóa của Hà Hội chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế; chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa.
Không chỉ thế, cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa của Hà Nội còn chưa hợp lý; thiếu liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa cơ quan Nhà nước với các nhà sản xuất, doanh nghiệp có năng lực sáng tạo; thiếu tư vấn thiết kế, nhà sáng tạo ở trình độ cao, đẳng cấp quốc tế và còn không ít cán bộ thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Ngóng… “tổ” sáng tạo
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo (VCE Club) - chia sẻ, 84,5% người trả lời trong khảo sát bỏ túi mà ông trực tiếp thực hiện cho rằng, các không gian sáng tạo chính là nhận diện quan trọng của một thành phố sáng tạo.
Đồng tình với ý kiến này, ông Vinh giải thích: “Không gian sáng tạo là nơi tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề công nghiệp văn hóa, là nơi giao lưu, học hỏi, và làm việc của tầng lớp lao động sáng tạo (creative class – theo ngôn ngữ của Richard Florida). Đó cũng là nơi giới thiệu các sản phẩm sáng tạo, và là nguồn sáng tạo phát triển các sản phẩm mới.
Một lý do nữa, không kém phần quan trọng, các creative hub chính là nơi để công chúng trải nghiệm môi trường văn hóa sáng tạo, là nơi khơi gợi cảm hứng và động lực phát triển nguồn nhân lực sáng tạo, là nơi nuôi dưỡng thị trường cho công nghiệp sáng tạo.
Vì vậy, để có thể phát triển công nghiệp văn hóa ở chặng đường tới, các nghệ sĩ chuyên gia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến việc Hà Nội phải xây dựng được một đời sống sáng tạo với những công dân văn hóa sáng tạo.
“Nghĩa là cần gieo con giấm hàng ngày phát triển dần để tạo môi trường, xây dựng tế bào cộng đồng. Và để có thể gieo con giấm thì cần lắm việc xây “tổ” sáng tạo với đủ size, đủ ngành nghề và có sự tham gia của các nhà sáng tạo.
Thế nhưng, thật đáng tiếc khi một thành phố rộng lớn có đến hơn 8 triệu dân mà đến giờ vẫn chưa có “tổ” cho cộng đồng sáng tạo để xây dựng mối liên kết giữa các nhà sáng tạo. Chúng tôi mong chờ Hà Nội sẽ sớm xây tổ sáng tạo và khi đã có tổ thì mọi việc sẽ dần được thúc đẩy…”, KTS Đoàn Kỳ Thanh bày tỏ.
Mong mỏi đó được xuất phát từ thực tế trong nhiều năm qua có nhiều nhóm, tổ chức và cả doanh nghiệp mở những không gian sáng tạo như: Hanoi Design Center, VICAS Arts Studio, VCCA, Manzi art space, Workroomfour, phố bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân – sông Hồng…
Thế nhưng, hầu hết các không gian sáng tạo này được cộng đồng, nhóm sáng tạo tổ chức hoạt động cầm chừng, nhỏ lẻ, hoạt động tách biệt nên không tạo ra được hiệu ứng cộng hưởng cần thiết để phát triển cũng như lan tỏa.
Họ phải tự túc thuê mặt bằng và thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, trong đó có sự nhận thức chưa thực sự coi các không gian sáng tạo là một loại hình kinh doanh đặc biệt để được hỗ trợ khởi nghiệp và tạo điều kiện ưu tiên.
Vậy nên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, các kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá về mức độ phát huy giá trị của những cơ sở vật chất và không gian văn hóa của Hà Nội, phần lớn những người nước ngoài tham gia trả lời phỏng vấn đều đánh giá ở mức trung bình.
Còn ông Lê Quốc Vinh thì đánh giá: “Tính chất tự phát, quy mô nhỏ, tản mát và thiếu liên kết, khiến người ta khó nhận diện được một đời sống sáng tạo mãnh liệt như Bandung (Indonesia), Chiang Mai (Thái Lan) hay Thượng Hải, Hàng Châu (Trung Quốc)”.
Trước thực tế ấy, nhóm Vì một Hà Nội đáng sống cho rằng, cũng như bất cứ nền công nghiệp nào, nền công nghiệp văn hóa cần có cơ sở hạ tầng để phát triển. Đối với công nghiệp văn hóa cơ sở hạ tầng then chốt chính là các không gian sáng tạo đủ lớn, đủ mở để giới hoạt động văn hóa, sáng tạo, kinh doanh và đầu tư tương tác, hợp tác trong việc xây dựng ý tưởng, hợp tác phát triển sản phẩm và kinh doanh các sản phẩm văn hóa, sáng tạo.
Từ đây, nhóm đưa ra gợi ý và đề xuất cải tạo các nhà máy cũ ở Hà Nội thành không gian văn hóa sáng tạo như: Nhà máy Bia Hà Nội (1890), Nhà máy Kỹ thuật Điện thông (1959), Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (1905), Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (1957), Nhà máy Cao su Sao vàng (1957), Nhà máy Giầy vải Thượng Đình (1957), Nhà máy Bánh kẹo Hải Hà (1960), Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (1963); Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu (1964), Nhà máy Dệt Công nghiệp (1967)…
Cũng vì, các nhà máy cũ thường nằm vị trí trung tâm đô thị, trung tâm khu dân cư, rất dễ kết nối với công chúng, dễ dàng đem những sản phẩm sáng tạo đến với cộng đồng và là một quần thể rộng lớn với công trình cùng không gian trống giữa chúng có thể thích ứng với nhiều kịch bản khai thác sử dụng khác nhau mà các tòa nhà office building khó có thể đáp ứng.
Chúng còn là các không gian lịch sử và thường chứa những kiến trúc có giá trị di sản (tính văn hóa), hình thức không gian, cấu trúc, chi tiết, vật liệu khác biệt với không gian dân dụng thông thường, giúp khơi gợi những ý tưởng mới mẻ, đánh thức tiềm năng sáng tạo.
Bên cạnh đó, các nhà máy thường có kiến trúc đẹp theo lối giản dị, khung công trình bề thế, hạ tầng kỹ thuật cơ bản đã có, chi tiết công nghiệp sẵn có để tận dụng ngay trong cả sử dụng và trang trí mà không mất nhiều chi phí.
Ngoài ra, điều kiện ban đầu giản dị của không gian công nghiệp là hạ tầng, là cơ sở làm nổi bật các sáng tạo trên nó, bao gồm cả các trang trí nội thất mới, ánh sáng, và các sản phẩm sáng tạo.