Có nên cho phép viên chức giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư?

Có nên cho phép viên chức giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư?

(GD&TĐ)-Đó là một trong những nội dung được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận sôi nổi khi cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Luật sư trong phiên họp ngày hôm nay (12/4).

Việc tham gia tố tụng
Việc tham gia tố tụng của luật sư sẽ giúp cho quá trình xét xử nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật (ảnh MH)

Liên quan đến quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư tại điểm a, khoản 4, Điều 17 dự án Luật có những quan điểm khác nhau. Thường trực Ủy ban tư pháp đề nghị cần xem xét lại quy định này vì quy định cho phép được “kiêm nhiệm” hành nghề như dự thảo sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là các giảng viên tham gia tố tụng. Việc hành nghề luật sư thường gắn liền với hoạt động tố tụng, trong khi đó hoạt động giảng dạy phải tuân thủ quy định chặt chẽ về thời gian. Do đó, việc cho phép nhóm đối tượng này được kiêm nhiệm hoạt động cả hai lĩnh vực sẽ khó bảo đảm chất lượng công việc.

Đồng tình với quan điểm này, Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, định hướng phát triển nhanh đội ngũ luật sư đến năm 2020 đạt khoảng 20.000 luật sư phải gắn liền với mục tiêu nâng cao chất lượng, trong đó có yêu cầu chuyên nghiệp hoá cao đội ngũ luật sư. Việc quy định cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm hành nghề luật sư sẽ tạo ra ngoại lệ không phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, đồng thời có thể làm phát sinh xung đột lợi ích khi luật sư là giảng viên tham gia tố tụng.

Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đưa lập luận: Nên cho viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư bởi trên thực tế giảng viên có kết hoạch và thời gian giảng dạy cụ thể, chính vì thế họ có thể sắp xếp được công việc để tham gia hành nghề luật sư. Hơn thế, việc tham gia bào chữa cho họ có thêm kinh nghiệm thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

Một trong những điểm mới về dự thảo Luật Luật sư do Chính phủ trình đó là, ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì người thân của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Điều này nhằm tạo điều kiện cho hoạt động tham gia tố tụng của luật sư.

Nhiều đại biểu nhất trí với đề xuất này và cho rằng, việc mở rộng quyền yêu cầu bào chữa không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề  luật sư mà ý nghĩa quan trọng là sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ, nhất là trong điều kiện các đối tượng này khó có khả năng thực hiện quyền nhờ người bào chữa do đã bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cần phải làm rõ hơn khái niệm người thân của bị can, bị cáo hoặc người bị tạm giữ bao gồm những đối tượng nào để việc thực thi được thống nhất.

Liên quan đến vấn đề chất lượng và đội ngũ luật sư, đa số các đại biểu thống nhất cần quy định cấm hành nghề luật sư đối với người đã từng phạm tội mặc dù đã được xoá án, vì đặc thù của hoạt động luật sư là ngoài những đòi hỏi cao về kiến thức, chuyên môn thì tư cách đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp và uy tín của luật sư là yếu tố quan trọng.

Đây cũng là yếu tố để hình thành một đội ngũ luật sư vừa giỏi nghề, vừa đảm bảo tư cách đạo đức, góp phần bảo vệ công lý.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư, thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Liên quan đến quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, Uỷ ban Tư pháp cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, khi ý thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp thì vẫn cần duy trì quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư trong tố tụng hình sự, nhất là với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý.

Dự thảo cũng mở rộng diện đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa. Theo đó, ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì người thân hoặc người đại diện hợp pháp của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Vấn đề này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm “người thân” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật
 

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ