50 năm đã trôi qua, Nghĩa trang 21 tháng 10 được dựng lên không chỉ là một chứng tích lịch sử của cuộc chiến tranh anh dũng của dân tộc mà còn là biểu tượng của ý chí kiên cường, tinh thần và ý chí hiếu học của các thế hệ thầy cô giáo, học sinh ngành Giáo dục.
Cô giáo và lớp học vĩnh hằng
Nghĩa trang 21 tháng 10 là chứng tích lịch sử nhắc chúng ta nhớ về câu chuyện của 50 năm trước. Ngày 21/10/1966, hai loạt bom của máy bay Mỹ trút xuống đã biến mái trường cấp 2 Thụy Dân thành hoang tàn, đổ nát.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 em học sinh lớp 7 đã vĩnh viễn ra đi. Ít ai có thể cầm nổi nước mắt khi thấy thi thể cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân nằm sấp, dang rộng hai tay ôm hai em học sinh vào lòng. Năm ấy, cô Xuân vừa tròn 24 tuổi và đang mang thai đứa con thứ hai.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân bước vào đời với bao ước mơ, hoài bão ấp ủ trong lòng và luôn tự nhắc mình bằng những dòng nhật kí. Trong cuốn sổ tay - kỷ vật bị thủng lỗ chỗ được lưu giữ tại Trường THCS Thụy Dân hôm nay, chúng tôi đã được đọc những dòng suy nghĩ, những tâm sự của cô về nghề:
“... Để sánh vai với người chiến sĩ ở trận tuyến giết giặc cứu nước thì ở hậu phương, ở mái trường thân yêu này, đêm - ngày mình sẽ miệt mài bên trang giáo án, quyết tâm đóng góp công sức của mình làm cho sự nghiệp trồng người ngày càng thêm thay da, đổi thịt...”.
Với cô, hạnh phúc lớn nhất là được đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp trồng người. Nhất là khi đất nước đang còn khói lửa chiến tranh, cô lại càng khát khao cống hiến thật nhiều. Bởi thế nên cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đã vượt lên mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chồng cô - thầy Trương Vũ Xương, giảng viên ĐHSP Hà Nội 1 - cho chúng tôi biết: Khi dạy ở Thụy Dân, xa chồng, phải gửi con thơ về Nam Hà nhờ bà nội nuôi giúp nhưng cô vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thầy Trương Vũ Xương tâm sự: “Thấm thoát đã 50 năm, Xuân đi xa, hình ảnh một cô giáo tận tụy với học sinh, một người mẹ hiền thục còn mãi mãi in đậm trong trái tim tôi và trong tâm khảm nhiều người.
Trong cuộc đời bất hạnh này, tôi chỉ có một ao ước, ao ước đến cháy bỏng là, nếu như không có trận bom tháng 10 năm ấy, Xuân còn sống thì hôm nay hai mái đầu bạc chúng tôi cùng dắt tay nhau về dự hội trường cấp 2 Thụy Dân, vui biết nhường nào. Nhưng điều đó không thể nào có được, mãi mãi không có được…!”.
Từ năm 2008 đến nay, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt Hai mục tiêu, Năm yêu cầu và Năm nội dung của Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngành Giáo dục Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo các trường chăm sóc, vệ sinh thường xuyên các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện, trong đó có Nghĩa trang 21 tháng 10 tại xã Thụy Dân.
Việc làm này tuy nhỏ nhưng có tác dụng to lớn trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên dải đất hình chữ S này có biết bao nghĩa trang liệt sĩ, nhưng Nghĩa trang 21 tháng 10 là một nghĩa trang đặc biệt: Là nơi yên nghỉ của cô giáo liệt sĩ và 30 học sinh như một “lớp học” ở thế giới vĩnh hằng.
Biểu tượng của ý chí kiên cường, tinh thần hiếu học
Nhận thức được ý nghĩa to lớn trong việc đền ơn đáp nghĩa và giáo dục truyền thống cho học sinh, một trong những nội dung quan trọng của Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, được sự đồng ý của Huyện ủy, UBND huyện Thái Thụy, sự ủng hộ của Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Thái Bình, sự trân trọng và đồng tình của Đảng bộ và nhân dân xã Thụy Dân, Phòng GD&ĐT Thái Thụy đã phát động CBGV toàn ngành đóng góp kinh phí để tôn tạo và xây dựng lại Nghĩa trang 21 tháng 10.
Nghĩa trang 21 tháng 10 và Đài tưởng niệm được khởi công xây dựng ngày 6/2/2004, hoàn thành ngày 30/4/2004. Với diện tích trên 1.000m2, phần mộ cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh được xây như một lớp học, được tôn tạo to, đẹp, trang trọng hơn.
Đài tưởng niệm được thiết kế như một ngòi bút ở giữa trang sách mở, bên trên là ngọn lửa như hai vầng trăng khuyết, phía dưới là một lư hương giống hình ảnh lọ mực, dưới đó là một dải khăn quàng đỏ.
Đài tưởng niệm đặt trên nền cao 14 bậc, xung quanh là tường bao. Mặt trước là dậu sắt và cổng sắt có 14 bồn để trồng cây và hoa, tất cả đều tượng trưng cho lứa tuổi học trò 14, 15 tuổi. Đặc biệt số cây trồng ở các bồn chỉ có hai hoặc bốn cây cùng loại, tượng trưng cho năm xây dựng tôn tạo nghĩa trang - năm 2004.
Sau khi hoàn thành, Nghĩa trang 21 tháng 10 được đón các đoàn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thái Bình, UBND huyện và Phòng GD&ĐT Thái Thụy… các trường mầm non, tiểu học, THCS, các trung tâm GDTX - dạy nghề trong toàn huyện về dâng hương tưởng niệm và trồng cây lưu niệm.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Thái Bình, Báo Giáo dục và Thời đại đã về dâng hương tưởng niệm. Năm học 2008 - 2009, thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình tiếp tục tôn tạo, tu bổ và trồng thảm cỏ tại Nghĩa trang và Đài tưởng niệm.
Trường Trung học cơ sở, Trường Tiểu học Thụy Dân là đơn vị được nhận chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử này.
Do điều kiện nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên nghĩa trang mới chỉ rộng trên 1.000m2. Nguyện vọng của CBGV và học sinh ngành Giáo dục Thái Thụy nói riêng, ngành Giáo dục nói chung là:
Nghĩa trang cần được mở rộng hơn để tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống. Nguyện vọng ấy đã được các cấp, các ngành đồng tình ủng hộ, được Đảng ủy, HĐND, UBND và nhân dân xã Thụy Dân tạo điều kiện giúp đỡ.
Ngày 21/10/2016 tới đây - nhân dịp kỷ niệm 50 năm Nghĩa trang 21 tháng 10, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện Thái Thụy chủ trì tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh, đồng thời tổ chức tọa đàm việc mở rộng và nâng cấp, xây dựng Khu tưởng niệm 21/10 với quy mô lớn hơn.
Phát huy thành tích là đơn vị mạnh của Giáo dục Thái Bình, ngành Giáo dục Thái Thụy tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.