Thật khó có thể diễn tả hết niềm hạnh phúc của mỗi người khi được gặp lại các thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ mình từ ngày đầu trứng nước, mà hôm nay đầu đã bạc trắng, tay đã run, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, với mái trường thân yêu đã nhiều năm gắn bó.
Không thể nào quên những chặng đường gian nan, từ Trường cấp 3 Liên khu 3 tách ra thành Trường cấp 3 Nam Định sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng; đến năm học 1959 - 1960 tách thành hai trường: Trường cấp 3 Lý Tự Trọng và Trường cấp 3 Lê Hồng Phong (trường học buổi sáng, trường học buổi chiều). Năm học 1962-1963, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục ở các tỉnh phía nam Nam Định, Trường THPT Lý Tự Trọng chuyển về huyện Nam Trực.
Như vậy qua 60 năm, Trường THPT Lý Tự Trọng đã chuyển địa điểm tới 5 lần, nhưng bất kỳ trong hoàn cảnh nào, dù ngay trong những tháng năm sơ tán thời chiến tranh chống Mỹ, thầy và trò đều đồng tâm, hợp lực, vượt lên gian khó, phát huy trí sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “dạy tốt, học tốt”.
Ngôi trường đã gắn liền với tên tuổi các thầy giáo, cô giáo là Hiệu trưởng từng lãnh đạo nhà trường phát triển qua các thời kỳ như: Thầy Lại Đức Khái (1959 - 1960), thầy Lã Hữu Đạt (1960 - 1961), thầy Nguyễn Văn Nhạ (1961 - 1963), thầy Phạm Tiến (1963 - 1964), thầy Nguyễn Văn Quảng (1964 - 1968), thầy Hà Ngọc Soạn (1968 - 1989), thầy Trương Văn Minh (1989 - 1998), thầy Đoàn Văn Thoại (1998 - 2003), thầy Lưu Ngọc Thụ (2003 - 2009), cô Vũ Thị Hà (2009 - 2016), cô Nguyễn Thị Bích Thủy (từ 2016 đến nay).
Những người “cầm lái” từng trải ấy đã có tâm, có tầm tập hợp, đoàn kết, thu hút trí tuệ của các thế hệ cô giáo, thầy giáo, nhân lên truyền thống của một trường luôn nằm trong tốp trường tiên tiến xuất sắc của hệ thống giáo dục tỉnh nhà, đặc biệt là dẫn đầu số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi nhiều môn học…
|
Hôm sát ngày kỷ niệm, tôi được may mắn hòa trong tập thể anh chị em cựu học sinh khóa 1986 - 1989, trở “về nguồn”, thăm lại mái trường xưa đặt tại xã Nam Hoa cạnh dòng sông Ngọc chạy dài bên cánh đồng lúa mướt xanh. Tôi chầm chậm dạo quanh và ghi hình các lớp học, khu nhà hiệu bộ và khu vườn rộng sau trường, tất cả như còn lưu giữ dáng hình thầy Hiệu trưởng Phạm Tiến, một con người trí tuệ, tình cảm và bản lĩnh, đã dày công xây nền đặt móng từ ngày đầu Trường chuyển về đây, có một lớp 10, 3 lớp 9, 4 lớp 8 (hệ 10/10).
Ấn tượng đọng lại trong ký ức nhiều người hôm ấy, là cuộc giao lưu vô cùng xúc động giữa các thế hệ thầy, trò từng có mặt trong những năm tháng vương tàn dư thời bao cấp, cuộc sống còn quá thiếu thốn, gian truân, nhưng vẫn không ngăn được sức nghĩ và sức vươn lên của cả thầy, trò. Chúng tôi được đắm mình trong những bài hát ngợi ca mái trường, ngợi ca nghề giáo, những tâm tình lắng sâu, những góc khuất cuộc đời một thời áo trắng, những giờ phút bịn rịn, bâng khuâng khi phải xa mái trường, xa bạn bè giữa mùa phượng bừng sắc đỏ giữa trời…
Tôi và nhiều người thật sự xúc động khi xem băng video ghi lại những hình ảnh sống động của các bạn trong khóa học, đặc biệt nghe tâm sự của ba bạn nữ đang sống ở Mỹ và Cộng hòa liên bang Đức, bộc bạch rằng, vào những thời điểm đặc biệt như thế này, bao nhiêu kỷ niệm đẹp của khóa học lại ùa về làm vợi bớt những lo toan và nỗi buồn thường nhật của người nơi viễn xứ, lòng trào dâng sự tiếc nuối khi không có điều kiện vượt trùng dương về dự ngày hội lớn 60 năm.
Đúng như câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Vâng, từ mảnh đất văn hiến Nam Trực này - nơi có cậu bé Nguyễn Hiền, 13 tuổi đã đỗ Trạng nguyên, tiếp theo có Trạng nguyên Trần Văn Bảo; và 60 năm qua đã có nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thành danh; đã có hơn 24.000 học sinh - 24.000 con chim mang hồn quê bay đi khắp mọi miền Tổ quốc, với khí phách người Anh hùng thanh niên Lý Tự Trọng, đã tự nguyện và vui vẻ đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau, dù ở Trường Sơn một thời máu lửa, hoặc ở các đỉnh núi quanh năm mù sương, hay ở các đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa ngày đêm sóng cuộn…
Mỗi mùa thu đến vang tiếng trống trường, lòng mỗi người lại nhớ những tháng năm đầu tiên đầy gian nan, nhưng cũng đầy hào sảng. Thật cảm động, ngày đầu dựng trường, mở lớp, trong điều kiện còn quá chật chội, nhà trường vẫn dành cho số học sinh lớp 10 đầu tiên một căn nhà mái rạ làm khu nội trú, sát cạnh mảnh vườn trồng rau lang - một nguồn rau xanh thường xuyên trong mỗi bữa ăn hằng ngày của khối lớp 10 nội trú. Gian nan nuôi chí anh hùng, hàng ngàn học sinh đã không phụ tấm lòng nhiệt thành của các thầy, cô trong khi truyền kiến thức; sự bao dung, nhân hậu khi ai đó có vấp váp, lỗi lầm…
Cho đến hôm nay, rất nhiều học sinh thành đạt đã làm rạng danh mái trường, như các anh, chị: Đặng Phúc Tựu, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định (cựu học sinh khóa 1959 - 1962); Nguyễn Hồng Vinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập báo Nhân Dân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (cựu học sinh khóa 1961 - 1964); Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (cựu học sinh khóa 1968 - 1971); Dương Ngọc Ngưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (cựu học sinh khóa 1969 - 1972); Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định (cựu học sinh khóa 1979 - 1982); Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định (cựu học sinh khóa 1977 - 1980); Vũ Xuân Sinh, Trung tướng, nguyên Tư lệnh Bộ Cảnh vệ - Bộ Công an (cựu học sinh khóa 1969 - 1972); Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (cựu học sinh khóa 1978 - 1981); Phạm Gia Túc, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương (cựu học sinh khóa 1979 - 1982); Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (cựu học sinh khóa 1970 - 1973); doanh nhân Nguyễn Bá Dương, Tổng Giám đốc Coteccon miền Nam (cựu học sinh khóa 1973 - 1976), doanh nhân Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ (cựu học sinh khóa 1976 - 1979)…
Trong ngày vui, chúng tôi bồi hồi tưởng nhớ hàng chục thầy giáo, học sinh đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trên các chiến trường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, để có mái trường bề thế, khang trang và cuộc sống tươi đẹp như hôm nay. Lòng tôi chộn rộn khi đọc những cảm nghĩ từ đáy lòng của cô giáo Bùi Thị Hiền viết trong Kỷ yếu 60 năm: Những năm tháng sống dưới mái trường này dồn chứa bao kỷ niệm, có nước mắt, có niềm vui, có nỗi đau và cả sự nuối tiếc…
Các em đã sống hết mình, sống đúng với tuổi chuẩn bị vào đời, chợt khóc, chợt cười; mỗi chuyến đò qua sông để lại trong tâm trí thầy, cô bao nhiêu tâm tư, tình cảm cùng khát vọng vươn tới. Rồi sau đó, các thầy, cô dồn dập nhận tin vui khi biết các học sinh của mình rời mái trường này đã trở thành những công dân có ích cho đất nước, thành người cán bộ tốt ở mọi lĩnh vực công tác được Đảng, Nhà nước phân công. Phải chăng đó là những biểu hiện cụ thể của niềm hạnh phúc đối với những thầy, cô đã và đang đảm nhiệm sự nghiệp “trồng người” cao quý dưới mái trường PTTH Lý Tự Trọng thân yêu này!