Cô Huyền của học trò Mùn Chung: “Tôi phải khoẻ để có ích”

GD&TĐ - Cô giáo trẻ Tòng Thị Huyền bị ung thư. Ngày lên bàn phẫu thuật, cô nghĩ đến đứa con thơ đang thèm sữa mẹ, đám trò nghèo hồn nhiên ngóng đợi…

Cô giáo Tòng Thị Huyền luôn hăng say giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học trò. Ảnh: NVCC
Cô giáo Tòng Thị Huyền luôn hăng say giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học trò. Ảnh: NVCC

Hiện thực hóa ước mơ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, từ khi còn nhỏ, cô Tòng Thị Huyền (SN 1990) đã có ước mơ trở thành giáo viên. Lớn lên được nghe các câu chuyện xúc động về nhà giáo, ước mơ ấy lại thêm cháy bỏng. Khi đã hoàn thành chương trình THPT, cô đăng kí theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Sau 3 năm hoàn thành chương trình học, cô đã may mắn được nhận quyết định lên công tác tại Trường Tiểu học Mùn Chung (xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên).

Trường cách nhà gần 30km, song chỉ mỗi cuối tuần cô mới có thể về thăm nhà được một lần. Vất vả là thế nhưng cô giáo trẻ vẫn nỗ lực dạy tốt, hết lòng vì học sinh, được phụ huynh và đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến.

Năm 2014, tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, cô Huyền được chuyển về công tác gần nhà hơn, tại Trường Tiểu học Quài Cang (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo).

Với niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô tích cực tham gia mọi hoạt động của trường. Cùng những kiến thức sẵn có và kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, cô không ngừng học hỏi để hoàn thiện bản thân. Ở mỗi đợt thi các cấp, cô luôn được đánh giá cao về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.

Suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học và có nhiều thành tích xuất sắc. Năm học nào cô cũng có sáng kiến kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng dạy học, được các cấp công nhận. Gần đây nhất, năm học 2019 - 2020, cô Huyền đạt giải Nhì tại kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, đồng thời được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Nhắc đến cô Tòng Thị Huyền ở Trường Tiểu học Quài Cang là ai cũng biết bởi cô luôn tâm huyết với nghề. Không chỉ có vậy, cô còn là giáo viên viết chữ đẹp có tiếng ở huyện. Hơn thế, cô còn được mọi người khâm phục bởi sự lạc quan và nghị lực vượt khó phi thường.

“Dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng chưa bao giờ cô Huyền làm ảnh hưởng đến công việc. Mỗi đợt điều trị xong đều rất mệt, khối u ở tuyến giáp cũng khiến việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, cô ấy vẫn luôn cố gắng truyền thụ kiến thức cho học trò một cách tốt nhất. Năm nào cô Huyền cũng đều là giáo viên dạy giỏi. Không những thế, các hoạt động ngoại khóa của nhà trường cô đều tích cực tham gia. Thật sự tôi và những đồng nghiệp vô cùng trân trọng và khâm phục”, cô Phạm Thị Xuyến - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Những trang giáo án và đám trò nhỏ đã giúp cô Huyền có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: NVCC
Những trang giáo án và đám trò nhỏ đã giúp cô Huyền có thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật. Ảnh: NVCC

Gắng gượng “ươm” những “mầm xanh”…

Tưởng rằng hạnh phúc đã mỉm cười khi về gần với gia đình hơn để bù đắp những tháng ngày gian nan, vất vả, xa vắng, nào ngờ đó cũng là lúc cô nhận được tin “sét đánh”. Năm 2016, trong một lần đi khám bệnh, cô phát hiện bản thân bị ung thư tuyến giáp. Cầm phiếu kết quả y tế trên tay, tất cả tương lai phía trước với cô gần như vụn vỡ. Nghĩ về đứa con thơ chưa đầy 2 tuổi còn non dại cần bàn tay ấm áp nâng niu, bao bọc mỗi ngày, cô lại gắng gượng tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt qua.

“Khi đó tôi mới lập gia đình, con nhỏ mới được 20 tháng, nên cảm thấy sốc và thất vọng vô cùng. Kinh tế chưa có, bố mẹ hai bên cũng vất vả, nghĩ thương gia đình và thương chính mình nên càng cảm thấy sợ hãi và bế tắc thực sự”, cô Huyền bộc bạch.

Từ khi mắc bệnh, gia đình cô Huyền phải lo toan kinh phí để chạy chữa khắp nơi. Mỗi lần bước chân vào cánh cổng bệnh viện sẽ phải tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Trong khi kinh tế gia đình đôi bên nội, ngoại đều eo hẹp, không thể trông chờ. Những lúc “bí”, gia đình đã phải thế chấp tài sản với ngân hàng để có tiền chạy chữa, thuốc men, “nuôi” hy vọng một ngày tươi sáng sẽ đến.

Cô Huyền tâm sự: “Chồng tôi công tác xa nhà. Đứa con thì còn nhỏ dại nên lương tháng của hai vợ chồng phải chắt bóp, dè dặt lắm mới có thể tạm ổn để lo cho chi phí sinh hoạt trong gia đình. Nói gì đến chuyện tích lũy. Lúc ấy để có tiền chữa bệnh vợ chồng tôi phải đi vay lãi ngân hàng. Vì thế, kinh tế gia đình càng thêm kiệt quệ”.

Bước chân lên bàn phẫu thuật, cô nghĩ đến đứa con thơ đang thèm mùi sữa mẹ, nghĩ về đám trò nghèo với những nụ cười hồn nhiên đang ngóng đợi, về tổ ấm… rồi dặn lòng phải vượt qua. Huyền quyết không thể buông xuôi mà phải chiến đấu với căn bệnh quái ác để sớm trở về với bục giảng.

Sau thời khắc sinh tử mong manh, cô Huyền dường như đã trở thành một con người mới, với nghị lực mạnh mẽ lạ thường.

“Biết là sẽ rất khó khăn để vượt qua, song lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng sẽ phải làm tất cả để khỏe mạnh và trở thành người có ích. Mình còn trẻ, còn khỏe như vậy, phải chăm chỉ hơn, truyền đạt kiến thức nhiều hơn cho các em chứ. Với thiên chức của người mẹ, mình phải làm tròn trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho con. Còn là người vợ thì phải chăm sóc cho chồng, con, phụng dưỡng bố mẹ lúc về già chứ! Ai lại trở thành gánh nặng cho gia đình bao giờ (?). Những suy nghĩ đó đã giúp tôi có thêm cảm hứng và động lực để đi tiếp”, cô Huyền nghẹn ngào.

Cứ thế, ngày qua ngày cô lên lớp giảng dạy và về nhà sống những ngày tháng hạnh phúc bên người thân. Sức khỏe của cô cũng dần hồi phục mau chóng.

Vừa tự “cứu” lấy bản thân, những tưởng mọi điều tốt đẹp sẽ đến, nào ngờ cô lại đón nhận thêm tin dữ - mẹ đẻ của cô cũng mới bị phát hiện đã ung thư. Cô thấy nghèn nghẹn trong cổ, nước mắt tự dưng cứ trào mãi ra, đau đớn đến quặn lòng. Biết vậy, cô cũng chỉ biết động viên mẹ, động viên gia đình, người thân cố gắng chạy chữa để mẹ sớm vượt qua những cơn đau.

Hàng ngày, cô vẫn miệt mài với từng trang giáo án, đến trường đầy đủ để tiếp tục nối dài ước mơ “ươm” những “mầm xanh” cho thế hệ trẻ nơi vùng cao xa xôi này. Với cô, nhìn thấy đám trò nhỏ tiến bộ mỗi ngày chính là niềm vui, hạnh phúc mà bản thân mãi muốn cứ kéo dài mãi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ