Phát biểu chào mừng hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho rằng: “Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ xu thế phát triển “thông minh” nhờ CNTT trên mọi lĩnh vực, ACIIDS 2016 chính là diễn đàn thiết thực cho các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý của Việt Nam tiếp cận các công nghệ và tri thức CNTT mới nhất của thế giới nhằm tìm ra một giải pháp tối ưu áp dụng vào thực tiễn Việt Nam”.
Bên lề Hội thảo, TS. Cao Tiến Dũng - Phụ trách Khoa Kỹ thuật, Đại học Tân Tạo - cho biết: “Trong xu thế hội nhập toàn cầu, sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học ở Việt Nam đang và sẽ gặp nhiều thách thức để cạnh tranh nghề nghiệp với sinh viên tốt nghiệp từ nhiều nước trên thế giới, nhất là khi chúng ta ra nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015. Trong đó, Kỹ sư CNTT là 1 trong 10 ngành nghề có thể tự do xin việc trong AEC.
Trong khi các công ty quốc tế tại Việt Nam đang rất khát nhân lực thì rất nhiều kỹ sư CNTT Việt Nam đang thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành. Sinh viên tốt nghiệp kỹ sư CNTT tại Việt Nam thậm chí chấp nhận làm công nhân cho công ty nước ngoài bởi khả năng ngoại ngữ yếu và thiếu kỹ năng làm việc, đặc biệt là làm việc nhóm”.
Về giải pháp cho đầu ra trong đào tạo nhân lực CNTT, TS. Cao Tiến Dũng chia sẻ: “Về kiến thức chuyên môn, tôi nghĩ nhân lực Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực, tuy nhiên điều đó chưa đủ để làm việc trong môi trường đa quốc gia hiện nay. Ngoài chuyên môn chúng ta cần có kỹ năng mềm, ngoại ngữ, cần hiểu biết về văn hoá, xã hội, lịch sử... của ít nhất là đối tác hoặc đồng nghiệp, có như vậy thì mới có thể làm việc được với nhau.”
Bên cạnh những nghiên cứu mới nhất về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh, rất nhiều vấn đề về nhân lực và phát triển CNTT của Việt Nam được đặt ra.