Cỏ hôi hay là cây cứt lợn và còn có tên gọi khác: cỏ cứt heo, cây bù xích, hoa ngũ sắc, hoa ngũ vị. Cỏ cứt lợn có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ.
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa hạ, đem về rửa sạch đất cát, dùng tươi hay phơi khô. Theo Đông y, cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát.
Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, tiêu thũng, trục ứ... được dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác trong những trường hợp sau :
Trị viêm mũi xoang: Cỏ cứt lợn tươi 50g, rửa sạch, để ráo, giã nát, vắt lấy nước tẩm vào bông. Dùng bông này nhét vào lỗ mũi bên đau khoảng 15-20 phút.
Rút bông ra để dịch mủ từ trong xoang và mũi giải phóng ra ngoài rồi xì nhẹ nhàng. (Tránh xì mũi mạnh mủ từ trong mũi xoang có thể đi qua đường nối thông giữa mũi và tai (gọi là vòi nhĩ) gây viêm tai giữa cấp).
Thuốc nhỏ mũi trị nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi: Lá cỏ cứt lợn tươi 4g, tỏi 2 nhánh, hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước nhỏ vào mũi ngày 3-4 lần.
Trị chứng yết hầu sưng đau: Cỏ cứt lợn tươi 50g, giã nát lọc lấy nước cốt, thêm đường phèn, chia uống trong ngày; cũng có thể lấy lá phơi khô, tán mịn, dùng làm thuốc bột - ngậm và nuốt dần xuống họng.
Phụ nữ bị rong huyết sau khi sinh nở: Cỏ cứt lợn tươi 50g, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước uống trong ngày. Uống liên tục trong 3 - 4 ngày.
Trị nhọt độc mưng đỏ: Cỏ cứt lợn, rửa sạch, thêm chút muối, trộn đều, giã nát, đắp vào vết thương.
Bài thuốc trị viêm họng: Cây cứt lợn 20g, kim ngân hoa 20g, lá rẻ quạt 6g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống.
Trị viêm đường hô hấp: Cây cứt lợn 20g, lá bồng bồng 12g, cam thảo đất 16g. Sắc uống.
Trị sỏi tiết niệu: Cỏ cứt lợn 20g, kim tiền thảo 16g, râu ngô 12g, mã đề 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống.