Cơ hội quảng bá hình ảnh, con người và ngành Nông nghiệp Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 18/4, tại Hà Nội diễn ra Họp báo thông tin về Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại họp báo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại họp báo.

Thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới

Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực, thực phẩm bền vững là chuỗi sự kiện diễn ra liên tục trong vòng 4 ngày, gồm 9 phiên họp chính thức và 10 phiên họp kỹ thuật. Xen kẽ là đêm hội Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn được tổ chức vào tối 26/4 và một phiên họp bên lề cấp Bộ trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới cùng một buổi tham quan thực địa.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: “Chủ đề của hội nghị lần thứ 4 là “chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”.

Nội dung chính của hội nghị là xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Đồng thời, đề xuất các giải pháp, tập trung chính vào các giải pháp cho việc xây dựng, đảm bảo an ninh lương thực.

Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế”.

Việc đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp giúp Việt Nam có thêm “động lực” để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện ngành Nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp sử dụng mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn sẽ truyền tải được thông điệp về thương hiệu nông nghiệp ra quốc tế là nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi.

200 đại biểu quốc tế tham dự

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) thông tin: “Thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN-PTNT phối hợp Ban Thư ký Chương trình Lương thực, thực phẩm bền vững (SFS) của Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững – Mạng lưới một hành tinh”.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phát biểu.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) phát biểu.

Hội nghị sẽ xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) và đề xuất các giải pháp, tập trung vào bốn vấn đề sau: Mô hình/kiến trúc toàn cầu về hệ thống LTTP; các chính sách và quản trị quốc gia và địa phương về hệ thống LTTP; các mô hình tiêu thụ và sản xuất của hệ thống LTTP; các phương thức thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP.

Ngoài ra, hội nghị sẽ giới thiệu những mô hình tốt, điển hình về chuyển đổi hệ thống LTTP ở các quốc gia và các sáng kiến của quốc tế. Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của 300 đại biểu trong đó bao gồm khoảng 200 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia, các cơ quan của Liên hợp quốc, các Tổ chức quốc tế.

Hội nghị gồm các sự kiện chính: 9 phiên họp chính thức (plenary session) từ 24 – 27/4/2023; 10 phiên họp kỹ thuật bên lề đồng thời (side event) vào chiều 25/4/2023; 1 ngày họp của Ban Cố vấn Đa bên vào chiều ngày 27/4 và sáng ngày 28/4/2023.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế phối hợp với các bên liên quan tổ chức 3 phiên họp bên lề về An toàn thực phẩm trong chuyển đổi hệ thống LTTP và các chiến lược tại địa phương để duy trì hệ thống LTTP nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn dinh dưỡng của hộ gia đình tại Việt Nam. Làm thế nào để chuyển đổi hệ thống LTTP từ lý thuyết sang chính sách: trường hợp của Việt Nam. Khai thác tiềm năng của nông nghiệp sinh thái ở Đông Nam Á để chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang hướng đến nền nông nghiệp mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững, phát thải thấp sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống LTTP năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Kế hoạch hành động đề cập tới hợp tác đa ngành, đa cấp và đưa ra các nhiệm vụ, hành động cụ thể để đẩy mạnh hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển Hệ thống lương thực thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm và bền vững”, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các khủng hoảng toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp.

Việc đăng cai Hội nghị trong bối cảnh toàn cầu hiện nay nhằm truyền tải thông điệp về thương hiệu nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế là “Nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Đồng thời, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.