* Trả lời:
Nội dung bạn quan tâm, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hiện hành quy định: Người lao động hưởng chế độ thai sản như sau: Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các Khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
Còn tại Điểm b Khoản 1 Điều Điều 12 Thông tư số: 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc” có nêu:
Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các Khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó.
Còn tại Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định: Lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật này khi có đủ các điều kiện sau đây: Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 4 tháng; Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật này.