Cơ hội khép lại cuộc chiến

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố sẽ rút lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9 tới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau hai thập kỷ Mỹ chiếm Afghanistan và lật đổ chính quyền Taliban, cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài đang dần khép lại. Cơ hội hòa bình đang rộng mở nếu các bên kiềm chế bạo lực trong giai đoạn này. 

Việc rút quân không phụ thuộc vào tình hình thực địa, mặc dù có những lo ngại rằng Taliban vẫn có thể giành những thắng lợi quan trọng ở Afghanistan. Thời hạn 11/9 mang đầy tính biểu tượng khi nó nhắc đến ngày xảy ra hai vụ tấn công khủng bố lịch sử nhằm vào nước Mỹ. 

Từ tháng 2/2020, chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã đạt được thỏa thuận với Taliban về rút quân khỏi Afghanistan là 1/5/2021, nếu tổ chức này không ủng hộ al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác. Ông Biden quyết định lùi lại 5 tháng, chủ yếu vì lý do hậu cần, và Mỹ sẽ đàm phán việc này với các đồng minh.

Sau tuyên bố của Mỹ, Đức và Anh cũng quyết định sẽ rút quân ở đây. Các thành viên NATO đã có cuộc họp trực tuyến hôm 14/4 về vấn đề này. NATO có 9.600 quân đang đóng tại Afghanistan, trong đó có khoảng 2.500 lính Mỹ. 

Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của ông Biden, người phát ngôn của Taliban nói rằng nhóm này sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình về Afghanistan cho đến khi quân đội nước ngoài rút đi. Dự kiến trong tháng Tư sẽ có một hội nghị về Afghanistan do Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì. 

Bạo lực vẫn dâng cao ở Afghanistan suốt năm qua với nhiều vụ đánh bom, tấn công bạo lực, ám sát có mục tiêu. Phủ nhận liên quan, song việc nhóm này từ chối tham gia lệnh ngừng bắn toàn quốc khiến nhiều người nghi ngờ. Mỹ đã cảnh báo rằng nếu Taliban tiếp tục gây ra các vụ tấn công nhằm vào lính Mỹ trong thời gian chuẩn bị rút quân, Mỹ sẽ đáp trả cứng rắn. 

Quyết định rút quân hoàn toàn và vô điều kiện của ông Biden là bất ngờ với nhiều chuyên gia, bởi họ cho rằng chính quyền Biden có thể đảo ngược chính sách của ông Trump mà với nhiều người là đã củng cố vị thế của các quân nhân Hồi giáo ở Afghanistan. 

Kết quả của hội nghị sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể quyết định việc Mỹ rút quân sẽ tác động đến tương lai Afghanistan thế nào. Nếu hội nghị thành công trong việc lập một chính phủ bao gồm cả Taliban và các phe nhóm khác của người Afghanistan thì có thể sự bất ổn sẽ được kiểm soát. Nhưng nếu hội nghị thất bại và Taliban tiếp tục từ chối hòa bình, tương lai sau khi Mỹ rút quân có thể là một cuộc nội chiến. 

Nhà phân tích Mohammad Shafiq Hamdan, một chuyên gia an ninh ở Kabul nói với tờ Deutch Well của Đức rằng các lực lượng an ninh Afghanistan phụ thuộc về tài chính và quân sự vào quân Mỹ, và nếu thiếu sự ủng hộ của Mỹ, đây sẽ là một điểm nóng phức tạp.

Taliban đang mạnh hơn bao giờ hết, ngoài ra còn IS và các nhóm khủng bố khác cũng đe dọa lực lượng an ninh Afghanistan, vì thế ông cho rằng việc rút quân không chỉ nguy hiểm cho Afghanistan mà còn cho cả khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng, việc rút quân có thể đẩy Taliban vào tình thế khó khăn. Giờ đây cộng đồng quốc tế trông chờ Taliban sẽ tham gia tiến trình chính trị và không có lý do gì để tiếp tục cuộc chiến. 

Việc Mỹ rút quân cũng có thể khiến các quốc gia khác có vai trò lớn hơn ở Afghanistan. Những nước như Pakistan,  Ấn Độ, Trung Quốc hay Nga đều có lợi ích chiến lược và giờ lợi ích đó sẽ dễ đạt được hơn nếu không có sự có mặt của Mỹ.

Nước láng giềng Pakistan chẳng hạn, sẽ có lợi lớn khi gia tăng thương mại và các dự án phát triển đang bị đình trệ. Thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban năm ngoái sẽ không thể đạt được nếu không có sự hậu thuẫn của Pakistan.

Nước này có ảnh hưởng đáng kể với Taliban và có vai trò quan trọng trong việc đưa phiến quân vào đàm phán hòa bình. Nhưng Pakistan muốn vai trò lớn hơn ở Afghanistan và lợi ích của họ sẽ đạt được tốt hơn khi Taliban mạnh ở Afghanistan, điều đó có thể làm phức tạp thêm tiến trình hòa bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.