Cơ hội được học cả ngày của HS vùng khó

GD&TĐ - Việc tổ chức dạy học cả ngày đã được triển khai tại Bình Thuận từ rất sớm (năm học 1995 - 1996) nhưng hầu hết là ở các trường vùng thuận lợi. 

 Cơ hội được học cả ngày của HS vùng khó

Chỉ khi được tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng GD trường học, Bộ GD&ĐT (SEQAP), cơ hội được học cả ngày mới tới được các HS vùng khó nơi đây.

Giải pháp “phủ sóng” trường dạy học cả ngày

Theo ông Huỳnh Văn Hiếu - Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GD&ĐT Bình Thuận), việc được tham gia SEQAP là điều kiện không thể thuận lợi hơn giúp Bình Thuận tiến tới tổ chức dạy học cả ngày ở các địa bàn khó khăn mà suốt hơn 10 năm qua chưa thực hiện được.

“Nắm bắt được cơ hội này, chúng tôi đã nhanh chóng rà soát các trường đáp ứng được các tiêu chí của chương trình, gửi về các Phòng GD&ĐT để điều chỉnh, bổ sung. Sau đó, tổ chức hội nghị các Trưởng phòng GD&ĐT để chốt danh sách cuối cùng gửi về Ban Quản lí Chương trình Trung ương. Danh sách này không thay đổi trong suốt thời gian triển khai.

Theo qui định, việc thành lập Ban Quản lí Chương trình ở địa phương chỉ thực hiện ở cấp huyện. Tuy nhiên, do Chương trình thực hiện trong nhiều năm, nội dung liên quan nhiều đến xét duyệt, phân bổ kinh phí do Trung ương cấp về hàng năm; xác định nguồn vốn đầu tư, vốn đối ứng địa phương… nên cần phải có người theo dõi ở các bộ phận khác nhau. Vì thế Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Ban Quản lí Chương trình cấp tỉnh bao gồm Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư là thành viên để họp bàn thống nhất chủ trương trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện chương trình trong toàn tỉnh” – ông Huỳnh Văn Hiếu chia sẻ.

Thực tế đã chứng minh, đề xuất của Sở GD&ĐT về thành lập Ban Quản lí Chương trình cấp tỉnh là đúng đắn, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo thực hiện, đảm bảo các qui định của Chương trình SEQAP.

Trong quá trình triển khai, có không ít khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và cách làm sáng tạo của Sở GD&ĐT. Trưởng phòng Huỳnh Văn Hiếu đưa ví dụ: Việc chương trình qui định mỗi năm triển khai một số trường tương ứng với số trường xây dựng cơ sở vật chất bổ sung đảm bảo điều kiện tỉ lệ phòng học/lớp năm trước đó, là bước đi phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của địa phương.

Tuy nhiên, việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu chậm nên đến thời điểm thực hiện, một số trường chưa đảm bảo điều kiện phòng học/lớp (do chưa xây dựng xong). Vì thế, trước ngày khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT Bình Thuận cùng với Phòng GD&ĐT phải về làm việc tại từng trường, giải quyết cụ thể từng trường hợp: Sắp xếp lại phòng chức năng để tăng thêm phòng học; dựng tạm phòng học; mượn trụ sở thôn, nhà dân để làm phòng học; điều chuyển HS học tạm trường gần đó… để đảm bảo toàn bộ HS (điểm chính và điểm lẻ) được học cả ngày theo phương án T30 ngay từ đầu năm học.

Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất các trường học bằng nguồn vốn SEQAP, tỉnh và các huyện, thị xã tham gia SEQAP đã huy động các nguồn lực kinh phí tại địa phương xây dựng được 101 phòng học cho 14 trường tham gia SEQAP, kinh phí huy động khoảng 48 tỉ đồng. Đặc biệt, việc giải quyết tỉ lệ giáo viên/lớp liên quan đến việc trả tiền thừa giờ cho giáo viên tốn rất nhiều công sức và thời gian do việc qui định tỉ lệ giáo viên/lớp không phù hợp với thực tế.

Đối với trường dạy học cả ngày theo phương án T30, tỉ lệ giáo viên/lớp do chương trình qui định là 1,30 giáo viên/lớp nhưng thực tế phải là 1,50 giáo viên/lớp. Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ và Sở Tài chính đã thống nhất giải quyết bố trí đủ 1,50 giáo viên/lớp cho các trường này; nếu không bố trí đủ 1,50 giáo viên/lớp thì phải bố trí đủ kinh phí hoạt động cho 1,50 giáo viên/lớp (đảm bảo đủ kinh phí thanh toán tiền thừa giờ do thiếu giáo viên).

Đối với trường dạy học cả ngày theo phương án T35, tỉ lệ giáo viên/lớp do Chương trình và Thông tư liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ qui định là 1,50 giáo viên/lớp nhưng thực tế phải là 1,70 giáo viên/lớp (thiếu 0,20 giáo viên/lớp). Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tài chính tham mưu HĐND và UBND tỉnh thống nhất thu thêm tiền của HS để thanh toán tiền thừa giờ cho 0,20 giáo viên/lớp bị thiếu (ngân sách đảm bảo kinh phí cho tỉ lệ 1,50 giáo viên/lớp).

Việc qui định này được áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh nên một số địa bàn khó khăn (trong đó có 16 trường T35 của SEQAP) không thể thu được tiền của HS, phải lấy kinh phí chi khác của trường để chi, chỉ đảm bảo được khoảng 30 - 40% qui định về chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên – ông Huỳnh Văn Hiếu chia sẻ.

Để hiệu quả SEQAP tiếp tục lan tỏa

Hiệu quả triển khai mô hình dạy học cả ngày cho 50 trường tiểu học tại Bình Thuận là điều dễ nhận thấy, nhưng để triển khai đại trà mô hình dạy học cả ngày sau khi Chương trình SEQAP kết thúc là điều không phải dễ dàng nếu không có những chỉ đạo sát sao, cụ thể.

Theo ông Huỳnh Văn Hiếu, bên cạnh việc đảm bảo phòng học, các phòng chức năng, các công trình vệ sinh, sân chơi bãi tập… cần thiết cho việc tổ chức dạy học cả ngày thì điều không thể thiếu là các điều kiện phục vụ việc bán trú cho HS như nhà bếp, phòng ăn, phòng nghỉ… Việc xây dựng thêm các điều kiện phục vụ bán trú cho HS bằng nguồn vốn Nhà nước trong tình hình hiện nay rất khó khăn, chỉ có thể thực hiện được bằng nguồn vốn huy động trong nhân dân (xã hội hoá GD) hoặc có thể huy động nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, kinh doanh và chuyển giao cho nhà trường sau một số năm thực hiện.

Về đội ngũ, việc đảm bảo tỉ lệ giáo viên/lớp ở trường dạy học cả ngày hết sức quan trọng. Mặt khác, định mức/chế độ trách nhiệm của cán bộ quản lí, nhân viên trường tiểu học dạy học cả ngày cũng phải được tính đến. Theo đó, không thể sử dụng chung một định mức/chế độ trách nhiệm như đối với trường dạy học 1 buổi/ngày, trường dạy học cả ngày.

“Nên chăng, để đảm bảo tiếp tục phát triển mô hình dạy học cả ngày trong thời gian tới sau khi chương trình kết thúc, Nhà nước có thể trợ cấp kinh phí ăn trưa cho các đối tượng khó khăn (có thể chỉ cấp khoảng 30% thay vì 40% như định mức của chương trình) để từ đó các trường học tổ chức vận động thêm các đối tượng còn lại tham gia. Thời gian đầu, có thể tiếp tục thực hiện cho các trường SEQAP, sau đó mở rộng dần” – ông Huỳnh Văn Hiếu nêu quan điểm.

Những chuyển biến về chất lượng GD

Chương trình SEQAP góp phần quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch triển khai dạy học cả ngày ở cấp tiểu học đến năm 2015 của Bình Thuận. Từ khi tham gia SEQAP, số lượng trường được học cả ngày của tỉnh tăng vọt từ 42 trường (năm học 2009 - 2010) lên 107 trường (năm học 2015 - 2016). Đặc biệt, trong 50 trường tham gia SEQAP, có 9 trường được công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Sau 5 năm triển khai, tỉ lệ HS yếu ở cả 3 nội dung đánh giá (Tiếng Việt, Toán và xếp loại GD) ở các trường tham gia SEQAP đều giảm từ 1,86% đến 2,34%; tỉ lệ HS DTTS yếu ở cả 3 nội dung đánh giá đều giảm từ 3,66% đến 5,93%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ