Nói về cơ hội để hoạt động giáo dục đổi mới “căn bản và toàn diện”, trao đổi với Báo GD&TĐ, GS.TS. Phạm Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết:
Có thể nói, trong những ngày qua, chúng ta đã chứng kiến sự tác động rất lớn của dịch covid-19 đến toàn bộ đời sống xã hội nước ta, mọi ngành, nghề, cá nhân,… đều bị tác động, và nói không quá, xã hội đang trong “thời chiến”, mọi thứ đều dành và ưu tiên cho tiền tuyến “chống giặc Covid-19”.
Ngành giáo dục bị tác động rất lớn, hệ thống giáo dục nhà trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đang thực hiện cách ly xã hội. Bộ GD&ĐT chỉ đạo quyết liệt thực hiện phòng, chống dịch, tiến hành điều chỉnh chương trình dạy học, thi tốt nghiệp, tuyển sinh, điều chỉnh nội dung dạy học các cấp,…Những điều chỉnh này chưa có trong tiền lệ, rất đặc biệt bởi bối cảnh đặc biệt.
Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh cam go này, tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ người Việt được thể hiện. Hệ thống giáo dục của chúng ta đã chủ động ứng phó và đang thích ứng với hoàn cảnh “đánh giặc Covid”. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo dạy học trực tuyến, kêu gọi nhà trường, nhà giáo, học sinh thực hiện dạy học trực tuyến, đổi mới phương thức dạy học, tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học.
Đã có nhiều nhà giáo chủ động thiết kế chương trình dạy học trực tuyến, khai thác và tổ chức dạy học qua mạng, thực hiện số hóa nội dung bài học, tích cực chia sẻ dữ liệu, bài dạy học trên mạng,… Qua theo dõi, trong thời gian ngắn, một đến hai tuần gần đây, đội ngũ giáo viên các cấp của chúng ta đã bắt đầu quen dần với việc tổ chức dạy học trực tuyến.
Ở gia đình, phụ huynh và học sinh đã tạo được nếp học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình. Nhìn lạc quan, đúng như nhận định của Thủ tướng Chính phủ, giáo dục của chúng ta đang tìm thấy cơ hội trong nguy cơ, cơ hội để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thời cơ để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà.
PV: Về phương diện quản trị nhà trường, GS có những đề xuất gì để quản trị hiệu quả việc dạy và học trực tuyến hiện nay?
GS.TS Phạm Quang Trung: Dạy học trực tuyến trong lúc này đang là phương thức dạy học được quan tâm nhất, trong tình thế phải bắt buộc khi không thể tiến hành dạy học trực tiếp trên giảng đường, lớp học. Điều này đang minh chứng cho sự cần thiết, cấp thiết đổi mới giáo dục và dạy học, minh chứng cho quy luật phát triển của giáo dục trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đây chính là lúc giáo dục đang thừa hưởng thành quả của Cách mạng công nghiệp hiện đại, những quốc gia có nền giáo dục lạc hậu đang tận dụng cơ hội để bứt phá, bắt kịp và hội nhập giáo dục quốc tế hiện đại. Chính vì vậy, nhà giáo và nhà quản lý không thể thờ ơ, tách biệt với CNTT, internet, với mạng xã hội, với sự kết nối giữa nhà giáo, học sinh, tài liệu số, với kết nối giữa nhà trường, gia đình và mạng xã hội.
Và như thế, nhà quản trị trường học cần có tri thức về CNTT, về quản trị kết nối. Hiệu trưởng nhà trường cần là người đi đầu sử dụng và khuyến khích sử dụng CNTT, các mạng xã hội, truyền thông số, để áp dụng có hiệu quả trong quản trị nhà trường.
Rõ ràng là, khi hiệu trưởng quan tâm đến việc ứng dụng CNTT trong dạy học thì sẽ quan tâm đến việc dùng CNTT để quản lý các hoạt động dạy học. Nếu có điều kiện, chúng ta dùng mạng xã hội như facebook, zalo,… để dạy học, trao đổi, chia sẻ thông tin sẽ hiệu quả hơn, hoặc thực hiện họp, dạy học, trao đổi trực tuyến bằng các phần mềm, các ứng dụng sẽ tiết kiệm được nhiều thứ và khá hiệu quả trong tình thế như thế này.
Như đã nói ở trên, cán bộ quản lý trường học cần có tri thức về CNTT và cần được bồi dưỡng về ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường. Đây là điều cần thiết và rất quan trọng khi thực tế giáo viên và học sinh đã chủ động hoặc bắt buộc dùng CNTT để dạy và học.
Cán bộ quản lý thậm chí phải đi trước, chủ động nắm rõ, ứng dụng thành thạo CNTT trong dạy học và quản trị nhà trường. Thực tế đang có khá nhiều cán bộ quản lý trường học chưa chú trọng việc này. Đây cũng là lực cản rất lớn đối với nhà trường, nhà giáo, học sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị nhà trường. Chúng ta tháo gỡ được rào cản này, thực sự nhà trường sẽ đổi mới được một bước đột phá quan trọng.
PV: Thưa GS, hiện nay Học viện Quản lý giáo dục là đơn vị có vị thế hàng đầu trong cả nước thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý cho toàn ngành giáo dục, Học viện đã có kế hoạch như thế nào trong thời gian tới?
GS.TS Phạm Quang Trung: Học viện Quản lý giáo dục thực sự đã và đang khẳng định vị thế này. Xin không nhắc lại truyền thống và thành quả trong gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của Học viện. Trong thời gian tới, Học viện tích cực đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Các chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục sẽ được nghiên cứu đổi mới, cập nhật với xu thế, xu hướng hiện đại và gắn kết với thực tế giáo dục trong nước và quốc tế. Ngoài các chương trình bồi dưỡng đang có, Học viện đã thiết kế chương trình bồi dưỡng theo hướng tiên tiến, hiện đại, đáp ứng đa dạng các đối tượng bồi dưỡng, mạnh dạn áp dụng chương trình bồi dưỡng quốc tế cho cán bộ quản lý các bậc học…
Học viện đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cho giảng viên, chuyên viên, nghiên cứu viên cảu Học viện về ứng ụng CNTT trong dạy học và quản trị nhà trường, bồi dưỡng về thiết kế bài học trực tuyến, truyền thông giáo dục, bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp, xây dựng văn hóa quản trị nhà trường…
Trong những ngày này, Học viện đang tổ chức khá hiệu quả các lớp học trực tuyến, được đông đảo sinh viên và phụ huynh hưởng ứng, tích cực tham gia học tập. Chúng tôi kêu gọi, khuyến khích các đồng nghiệp, sinh viên, học viên đổi mới, sáng tạo trong dạy học và nghiên cứu khoa học, mỗi cán bộ, giảng viên là một tuyên truyền viên tích cực để giúp sinh viên, phụ huynh hiểu và ủng hộ việc dạy học online, trực tuyến, dạy học qua mạng xã hội một cách chất lượng và hiệu quả.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.