Cơ hội 'chuyển mình' của Ấn Độ

GD&TĐ - Liên Hợp Quốc dự đoán, Ấn Độ sẽ 'vượt mặt' Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thực tế, không phải là điều ngạc nhiên nếu cột mốc này xảy ra.

Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới của Liên Hợp Quốc, dân số Ấn Độ ước tính đạt 1,417 tỷ người vào cuối năm 2022. Trong khi đó, vào tháng 1, Trung Quốc lần đầu tiên báo cáo sự sụt giảm dân số sau 6 thập kỷ. Cụ thể, quốc gia này ghi nhận có 1,412 tỷ dân vào cuối năm 2022.

Tốc độ tăng dân số của Ấn Độ cũng đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong 30 năm tới. Thậm chí, Ấn Độ có tiềm năng đạt 1,668 tỷ người vào năm 2050. Hai quốc gia đông dân tiếp theo, Trung Quốc và Mỹ, dự kiến tiếp tục tăng chậm hơn.

Quan trọng hơn nhiều so với những con số tổng thể là sự đa dạng dân số ngày càng tăng của Ấn Độ. Khoảng 43% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi. Do đó, Ấn Độ được coi là một quốc gia trẻ, so với dân số già của Trung Quốc và Mỹ.

Theo Liên Hợp Quốc, chỉ 7% dân số Ấn Độ là từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, con số này tại Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 14% và 18%.

Các chuyên gia nhận định, số lượng lớn và ngày càng tăng dân số trong độ tuổi lao động chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Ấn Độ. Thực tế, sự phát triển của Trung Quốc cũng chủ yếu được thúc đẩy bởi nhân khẩu học.

Song, việc sở hữu một lực lượng lao động trẻ đông đảo không tự động chuyển thành lợi ích kinh tế. Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo kỹ năng. Quốc gia này đồng thời có những chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.

Tương tự, Ấn Độ sẽ cần phải đầu tư rộng rãi để đảm bảo đủ việc làm cho dân số trẻ của mình. Theo một số ước tính, Ấn Độ sẽ cần tạo ra hơn 140 triệu việc làm mới vào năm 2030.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ chi hơn 122 tỷ USD cho chi tiêu vốn trong năm tài khóa 2023. Khoản chi tiêu này sẽ được sử dụng cho việc phát triển đường xá, trường học và các ngành công nghiệp, chủ yếu nhằm tạo việc làm.

Chính phủ cũng đã đưa ra các sáng kiến để phát triển lĩnh vực sản xuất của đất nước, hiện chỉ đóng góp 14% vào tổng sản phẩm quốc nội Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Ấn Độ phải nhìn xa hơn thay vì chỉ đào tạo ra các nhân lực lao động thủ công và có kỹ năng thấp.

Lĩnh vực sản xuất đang trải qua quá trình chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật số nhanh chóng. Một thế hệ người lao động mới sẽ cần những kỹ năng cần thiết cho thế giới vốn đang bước vào kỷ nguyên của kỹ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo.

Chắc chắn, Ấn Độ đã đầu tư rất nhiều vào việc mở rộng kết nối kỹ thuật số và công nghệ tài chính. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp trong những năm tới có kỹ năng cần thiết để làm việc trong nền kinh tế tương lai.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng tăng, các nhà sản xuất đang cân nhắc chiến lược “Trung Quốc cộng một”. Mặc dù không nhất thiết phải rời khỏi Trung Quốc do lượng người tiêu dùng lớn và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, nhưng các nhà sản xuất đang xem xét đa dạng hóa sản xuất bằng cách thành lập nhà máy ở một số quốc gia khác.

Với lượng dân số đông đảo, Ấn Độ có thể được hưởng lợi từ điều này. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng. Liệu Ấn Độ có thu được lợi ích từ vị trí “đông dân nhất thế giới” hay không? Có lẽ, câu trả lời này phụ thuộc lớn vào khoản đầu tư chiến lược cho con người và cơ sở hạ tầng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.