Cảm hứng với những giờ học Văn
Ngay từ nhỏ, cô học trò Trịnh Chúc Lâm đã bộc lộ những năng khiếu thiên phú về văn chương. Đến khi đi học, được các thầy cô phát hiện là một trong những HS có lối tư duy tốt, khả năng viết văn hay, Lâm đã được gọi vào đội tuyển Văn học của trường ngay ở tiểu học…
“Những kết quả có được của em là nhờ sự dìu dắt của các thầy cô trong trường, đặc biệt là cô Vũ Thị Hương Thảo. Cô đã truyền cho em cảm hứng đến với môn Văn học. Càng học, càng nghiên cứu em lại càng say mê hơn. Văn học hướng em đến những vấn đề của xã hội, tình yêu của con người, tình yêu quê hương đất nước. Chính những bài học rút ra từ mỗi nhân vật hay tình huống truyện đã giúp em nhìn lại mình để cố gắng sống có trách nhiệm, chu đáo và yêu thương nhiều hơn” - Trịnh Chúc Lâm tâm sự.
Với sự cố gắng của bản thân cùng sự dạy dỗ nhiệt tình của thầy cô, liên tiếp nhiều năm liền, em đều đạt giải cao trong các kỳ thi HSG của trường và của tỉnh. Năm lớp 9, em đạt giải Nhất thị xã Tam Điệp môn Lịch sử, giải Khuyến khích tỉnh Ninh Bình môn Lịch sử. Cả 3 năm học THPT, Lâm đều đạt danh hiệu HSG. Năm học 2014 - 2015, em đạt giải Nhất Văn cấp trường; năm học 2015 - 2016 em đạt giải Khuyến khích Văn cấp trường; năm học 2016 - 2017, đạt giải Nhất Văn cấp tỉnh.
Chủ động học để tiếp thu kiến thức
Không chỉ học tập tốt, Chúc Lâm còn là một người con ngoan trong gia đình. Lâm tâm sự: “Trong gia đình, người có ảnh hưởng lớn nhất đến em là mẹ. Mặc dù, mẹ làm công việc nội trợ, nhưng với em, mẹ luôn là người giỏi giang nhất. Em thường hay tâm sự với mẹ về các vấn đề trên lớp hay ngoài xã hội. Mẹ dạy cho em cách nhìn nhận cuộc sống, cách tự đứng lên sau những vấp ngã đầu đời ”.
Khi được hỏi về bí quyết để học giỏi Văn, Lâm chỉ cười: Không có bí quyết gì đặc biệt cả. Đầu tiên là xây dựng cho mình một thói quen học hàng ngày theo những danh sách đã đề ra trước đó; nhưng quan trọng nhất là sự chủ động học để tiếp thu kiến thức. Mỗi ngày em dành từ 30 phút đến một tiếng để đọc tài liệu tham khảo và các bài phân tích cảm thụ hay để tích lũy cho mình những kiến thức mới như cách lập luận phân tích, cách diễn đạt vấn đề, hay là những ý hay mới lạ mà mình chưa phát hiện ở tác phẩm. Nên có một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những câu, đoạn văn hay, những nhận định của các nhà văn, nhà phê bình để làm tài liệu ôn tập sau này.
“Không quá phụ thuộc vào sách tham khảo, vì môn Văn là một bộ môn đặc thù của sự sáng tạo, sự rập khuôn cứng nhắc theo một khuôn mẫu nhất định từ sách tham khảo sẽ chỉ giết chết niềm ham mê học Văn” - Chúc Lâm chia sẻ.