Trước đề nghị này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các thông tư quy định về chế độ làm việc của giáo viên mầm non, phổ thông và các thông tư quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Căn cứ vào các thông tư nêu trên, các địa phương, các nhà trường đã tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại Công văn số 3043/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/7/2018 gửi UBND các tỉnh/thành phố đôn đốc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Bộ GD&ĐT đã đề nghị việc tinh giản biên chế ngành Giáo dục phải phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống, quy mô trường, lớp học của địa phương; tăng cường vai trò chủ động tham mưu, đề xuất của sở/phòng GD&ĐT; vai trò kiểm tra, giám sát và sự phối hợp của các cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế để bảo đảm việc thực hiện đúng quy định, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn; đồng thời Bộ GD&ĐT cũng tiến hành kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện tinh giản biên chế tại một số địa phương.
Năm học 2018 - 2019, sau khi rà soát lại đội ngũ giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát biên chế, hợp đồng đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục; trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho những tỉnh tăng trưởng cơ học dân số và các tỉnh Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh tăng trưởng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ/ngành liên quan và các địa phương trên cả nước rà soát cụ thể số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, định mức giáo viên/lớp, số biên chế sự nghiệp giáo dục cần bổ sung trên nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.