Cô hiệu trưởng trường dân tộc nội trú với bầu nhiệt huyết cháy bỏng

GD&TĐ - Với sự chung sức chung lòng, cô giáo Hiệu trưởng Phan Thị Phương Ly đã cùng đồng nghiệp, học trò của mình vun đắp ngôi trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương trở thành một mái nhà của tình yêu thương.

Cô Phan Thị Phương Ly bên các học trò
Cô Phan Thị Phương Ly bên các học trò

“Không thể trồng cây ở nơi thiếu ánh sáng, cũng như không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình” (Can Juna). Ngay từ lần đầu được đặt chân lên phòng họp Hội đồng, tôi đã đặc biệt để ý đến câu danh ngôn được in lên một tấm biển lớn, đặt trang trọng trên bức tường cuối phòng. Người có ý tưởng lựa chọn câu danh ngôn này chính là cô Phan Thị Phương Ly - Hiệu trưởng đã dạy dỗ học trò và dìu dắt đồng nghiệp trẻ như chúng tôi không phải với “chút ít nhiệt tình” mà bằng cả bầu nhiệt huyết cháy bỏng và trái tim ấm áp tràn đầy tình yêu thương.

Mái nhà thứ hai của chúng tôi, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên) chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2013 - 2014, đến nay được tròn 8 năm học. Hiệu trưởng của trường tôi được chuyển đến từ một ngôi trường THPT trong huyện. Cùng các thầy cô đầu tiên, “người thuyền trưởng” ấy đã chèo lái con thuyền Nội trú vượt qua bao bộn bề để trở thành một mái nhà chung đầy thương mến.

Cô giáo Hiệu trưởng Phan Thị Phương Ly là người luôn được học trò gửi trọn tình cảm yêu quý
Cô giáo Hiệu trưởng Phan Thị Phương Ly là người luôn được học trò gửi trọn tình cảm yêu quý 

Học sinh trường tôi đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xóm, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Việc “phát sóng ngắn” tiếng mẹ đẻ giữa chúng được coi như “đặc quyền” của các nhóm dân tộc.

Chắc hẳn các em nghĩ thầy cô chẳng nghe được. Nhưng tất cả đã lầm. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt kinh ngạc của mọi người khi thấy cô Ly hào hứng giới thiệu về cuộc sống của các con với mấy phụ huynh bằng tiếng Tày. Có lần, cô còn dỗ thành công một học trò lớp 7 khóc ngất đi bằng chính tiếng dân tộc của em. Từ đó, học trò thi nhau “dạy” cô thêm tiếng của dân tộc mình vì cô bảo muốn học.

Hiếm khi tôi thấy cô mặc những bộ đồ cứng nhắc của chốn công sở. Trong các sự kiện lớn thì cô mặc áo dài còn thường ngày, trang phục của cô đậm chất “freestyle”, thoải mái, tự do như chính tâm hồn cô vậy. Học trò và đồng nghiệp nữ thường xúm xít vây quanh cô mỗi khi sân trường có cây nào đó nở hoa, bởi cô cũng thích “seo phì”. Cô bảo không thích cảnh “hoa chăm cỏ xén, lối phẳng cây trồng” mà yêu những cánh đồng xanh mát lúa non, những thảm cỏ mênh mông vô tận, những bông hoa bé xinh mọc ở trên đồi.  

Nếu như ở cổng trường là hai hàng phượng, thì dọc sân trường là những hàng điệp và bằng lăng. Ở khu nhà nội trú thì học trò được làm bạn với sấu và ngọc lan. Chỗ bãi đất trống lớn, cô cho trồng một vườn ổi, táo và chuối. Không cấm đoán, không rào lưới, cô bảo học trò cùng chăm sóc để ăn quả. Cả một “thời oanh liệt” của các lứa học sinh đã diễn ra ở đó với bao nhiêu trò thú vị dưới những tán ổi, táo xum xuê, trĩu quả.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên) là mái nhà yêu thương của học sinh DTTS trên địa bàn
Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên) là mái nhà yêu thương của học sinh DTTS trên địa bàn 

Có lẽ điều mà học sinh trường khác “ghen tị” nhất là những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm mà cô dành cho học trò. Cô luôn tràn ngập ý tưởng mới mẻ để mỗi năm các em lại có một ngày hội tựu trường ấn tượng nhất, những chuyến trải nghiệm hấp dẫn nhất, những dự án tuyệt vời nhất. Để qua mỗi sự kiện ấy, chúng tôi có cơ hội sáng tạo, được trải nghiệm thực tế đầy thú vị, các thành viên trong tập thể đoàn kết hơn, mỗi người đều tự tin và mạnh dạn hơn.

Cô luôn dành những lời động viên, sự tin tưởng và tỏ ra vô cùng tự hào trước mỗi thành công hay tiến bộ của học trò dù là nhỏ nhất. Cô hay hào phóng khen thưởng cho tất cả các đội trong những cuộc thi vì theo cô thì đội nào cũng giỏi, chỉ khác nhau là mỗi đội giỏi ở một lĩnh vực thôi.

Có lẽ vì thế mà thành tích của học trò trường chúng tôi luôn giữ vững ở tốp đầu trong bảng xếp hạng các nhà trường. Năm học nào số lượng học sinh giỏi trong các kì thi, tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT cũng đứng đầu trong toàn huyện, năm học 2016 - 2017 nhà trường có 1 Huy chương đồng quốc gia môn Giải Toán qua mạng.

Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, trường liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động tiến tiến, Tập thể lao động xuất sắc; liên tục được nhận Giấy khen của UBND Huyện Phú Lương, đặc biệt năm học 2019 - 2020, trường vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Góp phần lớn làm nên những thành tích đó, chúng tôi hiểu rằng không thể thiếu công lao của cô giáo HIệu trưởng. Chỉ riêng năm 2018, cô được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Phú Lương tặng giấy khen cho Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2014 - 2018), Chủ tịch UBND huyện Phú Lương tặng giấy khen “Điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Năm 2020, cô được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2014 - 2018). 

Với những đồng nghiệp trẻ như chúng tôi, thật may mắn khi có một người quản lí, một người đồng nghiệp đi trước đầy thấu hiểu, tâm huyết và luôn sẻ chia, nâng đỡ như thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ