Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về việc thực nghiệm, thí điểm trong lĩnh vực giáo dục.
UBTVQH cho rằng, giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, nên việc đổi mới chương trình GDPT hoặc những thay đổi trong chính sách giáo dục sẽ tác động sâu rộng, lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi thực hiện những hoạt động thực nghiệm, thí điểm trong quy trình xây dựng chính sách giáo dục.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Chính phủ xây dựng quy trình làm thí điểm. Trong đó, quy định những vấn đề cơ bản về mục tiêu, đối tượng, quy mô, thời gian thực nghiệm, thí điểm trong lĩnh vực giáo dục (Điều 31).
Đồng thời Dự thảo Luật quy định Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học; trình UBTVQH trước khi quyết định việc áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công mà việc áp dụng đại trà sẽ ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 102).
Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.
UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.
Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi (Điều 34).
Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật GDĐH và Luật GDNN.