Con “uống thuốc thay cơm”
Câu chuyện của cô giáo Đoàn Thị Liên ở Trường Mầm non 19/5, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên là như thế. Sinh năm 1985, từ quê lúa Thái Bình, cô lên Điện Biên học tập tại trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên từ đầu những năm 2000. Run rủi thế nào, trong quá trình học tập và công tác, cô gặp chàng đồng hương tên Kiên. Thế là hai người nên nghĩa vợ chồng. Ra trường, cô được phân công công tác tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Còn ông xã thì đóng quân tại một đơn vị nơi “ngã ba” biên giới.
Năm 2008, hai người mừng rỡ khôn nguôi khi sinh được cháu Phạm Đình Hiếu khôi ngô, tuấn tú, kiên cường giống bố. Hiếu kháu khỉnh, chăm ngoan như mẹ. Cứ tưởng hạnh phúc của gia đình nhỏ gần như viên mãn, song thế nào bệnh tình lại đến với Hiếu quá sớm khi mới tròn 4 tuổi. Năm 2012, Hiếu bị bệnh giảm tiểu cầu. Cô Liên chỉ biết người ta gọi đó là bệnh hiểm nghèo.
“Em thấy bác sĩ bảo, bệnh này nó cứ phát ra. Sau này khỏe được thì tốt, còn không thì bệnh cứ theo cả đời như thế. Nên gia đình cũng xác định rằng cháu sẽ sống chung với bệnh. Nhớ lần đầu nhập viên, các y, bác sĩ cũng thương tình, họ cho liều thuốc tốt nhất để mong cháu sớm khỏi bệnh, nhưng chỉ đỡ chứ chưa thuyên giảm được là bao”, cô Liên nhớ lại.
Cũng vì con ốm, mẹ đau nên Phòng GD&ĐT thị xã Mường Lay đã chia sẻ và tạo điều kiện cho cô Liên về công tác tại địa bàn, rồi bố trí công việc ở trường thuận lợi để có thời gian chăm sóc con trai.
“Em cho cháu học ở trường tiểu học bên cạnh. Hàng ngày em vẫn nhờ các thầy cô bên đó để ý đến cháu giúp em. Nếu có vấn đề gì thì lại gọi điện, xin sang đón cháu về”, cô Liên tâm sự.
Thế nên, mỗi ngày trên bục giảng, cô Liên sợ nhất khi có tiếng chuông điện thoại reo. Đó là cuộc gọi từ đồng nghiệp ở trường bên cạnh. Chẳng tin gì khác ngoài việc báo tin con ốm bất thường. Thế là cô lại tá hỏa xin đưa con về nhà gấp. Nhớ chồng, thương con, song mỗi lần như thế cô chỉ biết ôm con vào lòng rồi khóc thầm. Cô làm thế bởi muốn chồng ở nơi biên cương hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng, luôn chắc tay súng để bảo vệ bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc.
Đã 8 năm nay, vợ chồng cô Liên cứ tích lũy lương tháng được bao nhiêu, một phần nhỏ để trang trải sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày, họ dành lại phần hơn để tích lũy, dành tiền đưa con về Hà Nội chữa bệnh. Cô Liên còn nhớ như in thời điểm cách đây 8 năm, khi Hiếu đột ngột phát bệnh. Giai đoạn này Hiếu ở viện nhiều hơn ở nhà, “thuốc uống thay cơm”. Đó cũng là giai đoạn vợ chồng cô vất vả hơn bao giờ hết.
Mẹ đau… vì khát khao “sinh nở”
Làm việc, tích lũy thu nhập để chữa bệnh cho con trai, vợ chồng cô Liên vừa lo kinh phí trả nợ, chữa bệnh cho chính cô Liên. Mấy năm gần đây, vợ chồng cô Liên khát khao có thêm một người con cho Hiếu có anh, có em, bố mẹ có thêm người bầu bạn.
Ấy thế mà cũng đã được đâu. Trong 4 lần “hạ sơn” về Hà Nội chạy chữa ở khắp các bệnh viện lớn thì có 1 lần phải đụng đến dao kéo, song tất cả lại trở về điểm xuất phát. Bao nhiêu tiền bạc vợ chồng dành dụm cứ thế “đội nón” ra đi. Mỗi lần họ trở về, lại thêm một lần thất vọng, rồi chờ đợi để nuôi hy vọng mới.
“Em làm thụ tinh ống nghiệm 4 lần rồi. Trong đó 3 lần làm bình thường và 1 lần phẫu thuật để can thiệp nhưng cũng không thành. Mấy lần đi như thế, tiền thuốc thang, chữa chạy cũng mất đến mấy trăm triệu rồi. Đấy là chưa tính đến chuyện tiền ăn, ở, tiền tàu xe…”, cô kể tiếp.
“Hoàn cảnh của cô Liên khá đặc biệt. Suốt bao năm qua, vợ chồng cô ấy cứ làm được bao nhiêu thì dồn hết vào chữa chạy bệnh tật. Mới đây, cả hai vợ chồng tích lũy, vay mượn bạn bè, mua được mảnh đất nhỏ để ở. Biết hoàn cảnh của cô như vậy nên chúng tôi cũng đề xuất với Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng “mái ấm công đoàn”.
Ngoài ra, gia đình cô cũng vay mượn từ bạn bè, người thân để góp thêm vào đó. Về phía Phòng GD&ĐT, chúng tôi cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên, tạo điều kiện trong công việc để cô yên tâm công tác. Bản thân cô là giáo viên dạy giỏi, luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình”, bà Trần Thị Hiếu - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Mường Lay chia sẻ.
Cả hai vợ chồng cô Liên vừa từ Hà Nội trở về cách đây chưa đầy một tuần. Giờ họ lại tính đến chuyện cóp nhặt, dành dụm thu nhập để vừa trả nợ, vừa nuôi hy vọng.
“Hồi tháng 4 em thấy sức khỏe bảo đảm nên đã đi phẫu thuật can thiệp để thụ tinh nhưng không thành. Thế rồi tháng 7 lại xuống Hà Nội, làm thêm một lần nữa (lần thứ 4) nhưng cũng không được. Hai vợ chồng lại về vì hết tiền rồi. Hai vợ chồng bây giờ là làm bao nhiêu, vay mượn dồn hết vào rồi. Giờ về lại giữ cho sức khỏe ổn định, làm việc, kiếm tiền để sang năm lại đi tiếp. Nói thật là năm nay nhà em hết lực rồi!”, cô Liên thở dài.
Khi biết vợ ốm, con đau là anh Kiên lại đau đáu muốn về. Cũng bởi đóng chân trên địa bàn biên giới, khó khăn, lại cách nhà những gần 300km nên anh chỉ tranh thủ những ngày phép ngắn ngủi để về với vợ, với con những khi còn phép.
“Từ khi anh nhà em biết con mắc bệnh, vợ ốm đau thì anh ấy yêu thương vợ con nhiều hơn. Gia đình bố mẹ chồng em cũng thế. Mọi người không hắt hủi, dè bỉu mà ngược lại, lại yêu thương mẹ con em hơn. Quê thì tận Thái Bình, nhưng cứ có con gà, quả trứng thì ông bà lại gửi xe ca nhờ mang lên để cho con dâu, cho cháu nội bồi bổ sức khỏe. Điều đó khiến em cảm thấy hạnh phúc”, cô Liên rơm rớm nước mắt kể lại.
Bệnh tình là thế, ốm đau cũng thế, song cô Liên vẫn luôn một lòng yêu nghề, mến trẻ. Cô vẫn bám bản, bám trường để dạy dỗ các em thơ là con em đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn. Còn về phần mình, cô vẫn hăng say lao động để tiếp tục nối dài thêm hy vọng mới cho bản thân và gia đình.