Cô giáo với tâm niệm dạy cho học sinh sống có hoài bão, giàu lòng nhân ái

GD&TĐ - Cô Võ Trương Như Thúy - giáo viên trường THPT số 1 Phù Mỹ luôn tâm niệm rằng, nghề giáo không chỉ là dạy cho các em biết chữ, biết cách làm người, mà còn dạy cho học sinh sống có hoài bão, giàu lòng nhân ái…

Cô giáo Võ Trương Như Thúy đang giảng bài cho học sinh.
Cô giáo Võ Trương Như Thúy đang giảng bài cho học sinh.

Hơn 24 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Võ Trương Như Thúy - giáo viên trường THPT số 1 Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) là một trong những giáo viên tiêu biểu, có năng lực chuyên môn tốt.

Dạy làm người, truyền động lực sống cho học sinh

Trò chuyện với Báo GD&TĐ, cô giáo Võ Trương Như Thuý (SN 1973, trú huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) giảng dạy môn Tiếng Anh, hiện là Tổ trưởng chuyên môn của Trường THPT số 1 Phù Mỹ cho biết, cô sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phù Mỹ, một huyện nằm ở cánh bắc của tỉnh Bình Định.

Gia đình nghèo, con đông. Bản thân là chị cả trong gia đình có 6 anh chị em. Tuổi thơ khó nhọc, vất vả, ngay từ nhỏ cô Thúy đã cùng với cha mẹ làm rất nhiều nghề để có đủ miếng ăn cho cả gia đình.

Chính những lúc khó khăn như thế, cô Thúy tự nhủ trong lòng rằng, cố gắng học hành để sau này kiếm lấy một nghề để mà nuôi sống bản thân mình.

"Sự khó khăn của gia đình đã thôi thúc tôi phải cố gắng học. Bởi vì chỉ có học, có một nghề nghiệp ổn định mới có thể phụ giúp cho cha mẹ nuôi các em cũng như lo cho cuộc sống của mình ở tương lai. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi luôn ấp ủ cho mình một giấc mơ là sẽ trở thành một cô giáo trong tương lai", cô Thúy chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô đã đăng kí và thi đỗ vào trường Đại học sư phạm Quy Nhơn Khoa ngoại ngữ. 

Phấn đấu trong suốt thời gian ngồi trên ghế giảng đường, tốt nghiệp ra trường, cô Thúy được phân công về dạy ở Trường THPT số 1 Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ).

Với hơn 24 năm công tác, cô giáo Võ Trương Như Thúy luôn cố gắng tự học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Cô giáo Võ Trương Như Thúy
Cô giáo Võ Trương Như Thúy

Cô Thúy cho hay, với nghề dạy học, cô luôn quan niệm rằng dạy học sinh không chỉ đơn giản là dạy kiến thức mà điều quan trọng hơn cả chính là dạy cho các em biết cách làm người, sống có hoài bão và giàu lòng nhân ái.  

“Vì thế, với tôi, người giáo viên không chỉ làm tốt việc trau dồi kiến thức, kĩ năng mà cũng cần phải tự hoàn thiện chính bản thân mình về nhân cách. Một người giáo viên giỏi phải là người biết truyền cảm hứng, truyền động lực sống, cách sống có đạo đức cho học sinh, xứng đáng là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, cô Thúy bộc bạch.

Một kỷ niệm có lẽ đáng nhớ nhất trong nghề giáo của mình chính là chứng kiến một học sinh nghèo trong lớp cô Thúy chủ nhiệm.

Cô Thúy đang cho các học sinh thảo luận nhóm tại lớp.
Cô Thúy đang cho các học sinh thảo luận nhóm tại lớp. 

“Tôi nhớ như in, cả tuần cậu bé chỉ có mỗi một bộ đồ để đi học, hôm nào đi học về cũng phải giặt sạch để ngày mai mặc đi học. Ban đầu tôi cũng không để ý, nhưng có một lần, khi xuống  quan sát hoc sinh làm bài, tôi vô tình phát hiện cổ áo của em học sinh ấy xơ hết vải, mấy hôm sau, lên lớp tôi cũng nhận ra chiếc áo ấy.

Tìm hiểu thì mới biết em chỉ có 1 chiếc áo sơ mi trắng đi học, gia đình neo đơn, cha mất sớm. Hoàn cảnh đáng thương của cậu bé, khiến tôi xúc động vô cùng. Tôi đã dành trích một khoản lương của mình mua tặng cho em 2 bộ đồ mới để đi học, và cũng từ đó cho đến khi em ấy tốt nghiệp ra trường, tôi luôn dành cho em sự quan tâm đặc biệt, luôn động viên, tâm sự cùng em, cố gắng xin những suất học bổng hỗ trợ cho học sinh nghèo từ cựu học sinh nhà trường để giúp em có được khoản kinh phí cho việc học”, cô Thúy nhớ lại.

Bẵng đi nhiều năm, dịp gần đến ngày 20/11 của năm 2019,  cô Thúy bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ ở nước ngoài. Cô Thúy không ngờ rằng, người ở đầu dây bên kia chính là cậu học trò đã được cô tặng 2 bộ áo quần lúc khó khăn nhất của thời học sinh.

“Lúc gọi về hỏi thăm tôi, em ấy đã là một du học sinh ở Nhật Bản. Em ấy đã dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ mãi, lời em chia sẻ rằng con cảm ơn cô, người mẹ thứ hai của con. Nhờ cô mà con đã có được như ngày hôm nay. Nhất định khi về nước con sẽ đến thăm cô. Chỉ cầu mong cô mãi luôn sức khoẻ và là người truyền cảm hứng cho những đứa học trò nghèo như con.

Quả thật, hạnh phúc của người làm nghề giáo chính là được hoá thân trong sự thành đạt của học trò”, cô Thúy xúc động nói.

Hạnh phúc khi chọn làm giáo viên

Cũng như bao giáo viên khác, cô Thúy cho rằng, làm nghề giáo luôn đong đầy nhiều cảm xúc. Hạnh phúc lắm khi đi đến đâu cũng gặp học trò. Hạnh phúc khi thấy học trò mình ngày càng thành công.

Thế nhưng, có những khoảnh khắc vẫn cảm thấy có chút tâm trạng hơn xao động, đó là những câu chuyện buồn về nghề giáo, những tiêu cực trong thi cử, những vụ bạo lực học đường và cả những lúc kinh tế khó khăn trong khi đồng lương nhà giáo cũng chưa đủ lo cho gia đình.

Thế nhưng, bằng sự say mê nghề nghiệp, niềm yêu thương học trò, cô Thúy phải tự nhủ lòng, đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, phải biết nhìn vào những điều tốt đẹp để sống và cống hiến. “Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi biết mình đang ở đâu và đang sống như thế nào, sống chứ không phải là tồn tại, phải sống thật hết mình cho những ngày đang sống”, cô Thúy nhấn mạnh

Cô Thúy chia sẻ rằng, hạnh phúc của cô là khi thấy học trò mình ngày càng thành công
Cô Thúy chia sẻ rằng, hạnh phúc của cô là khi thấy học trò mình ngày càng thành công

Bằng những cống hiến to lớn của mình, cô Thúy đã được Bộ GD&ĐT vinh danh trong chương trình “Tri ân thầy cô”. “Cảm xúc trước hết đó là sự xúc động và hạnh phúc khi những cố gắng của mình được trân trọng. Và cũng tự nhủ lòng mình, phải luôn cố gắng hơn nữa để ngày cảng hoàn thiện bản thân mình, xứng đáng là một người thầy giỏi về chuyên môn và có đạo đức, xứng đáng là tấm gương cho học sinh noi theo”, cô Thúy xúc động nói.

Cô Thúy luôn tâm niệm rằng, nghề dạy học là một nghề khó khăn, gian khổ, âm thầm như người lái đò nhưng cũng rất vinh quang và hạnh phúc. Người thầy giáo muốn dạy tốt, muốn thành công trong sự nghiệp “trồng người” phải không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, dành trọn tâm huyết của mình vì thế hệ học trò tương lai. Và cô chỉ cầu mong bản thân sẽ luôn có thật nhiều sức khoẻ để được sống trọn vẹn với hai chữ Người Thầy.

Trong 5 năm qua, cô Võ Trương Như Thúy luôn được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đánh giá chuẩn giáo viên đạt loại xuất sắc.

Đặc biệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Thúy đã có 13 học sinh đạt giải khuyến khích, 2 học sinh đạt giải ba trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, liên tục trong 5 năm liền, từ năm học 2014-2015 đến năm học 2018-2019, cô đều có sáng kiến được Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định công nhận.

Năm học 2014-2015, cô có đề tài “Đa trí tuệ trong Tiếng Anh”- đạt giải C cấp ngành. Năm học 2015-2016, tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng anh điện tử (sách thí điểm lớp 6, 7, 10 do NXB Giáo Dục chủ trì) và đã được phát hành.

Năm học 2016-2017 có đề tài:“ Đề xuất một số giải pháp giúp thực hiện hoạt động nhóm và hoạt động cặp hiệu quả trong giảng dạy Tiếng Anh”- đạt giải C cấp ngành.

Năm học 2017-2018 có đề tài “ Đề xuất những giải pháp phát huy kỹ năng sống cho học sinh trường THPT số 1 Phù Mỹ- đạt giải C cấp ngành.

Năm học 2018-2019, có đề tài: “Đề xuất một số biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh trường THPT số 1 Phù Mỹ” được công nhận cấp ngành; năm học 2019-2020, có đề tài: “Dạy Tiếng Anh theo hướng phát triển năng lực cho học sinh lớp 10” được công nhận cấp ngành và được gửi qua Sở KH&CN thẩm định đề tài có phạm vi ảnh hưởng tỉnh Bình Định.

Cô Võ Trương Như Thúy đã được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 5 năm liền, đặc biệt, trong năm học 2017-2018 cô đã  được tặng bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Năm học 2019-2020, được đề nghị công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đề nghị nhận bằng khen của UBND tỉnh, được chọn là gương điển hình tiên tiến do Liên đoàn Lao động tỉnh bầu chọn.

Cô Thúy đã nhiều năm liền đạt công đoàn viên xuất sắc và được tặng giấy khen của BCH công đoàn giáo dục Tỉnh Bình Định. Năm học 2015- 2016, cô được tặng Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định. Được tặng giấy khen của BCH Công đoàn giáo dục tỉnh Bình Định (2014-2015, 2016-2017). Được tặng bằng khen của BCH Liên đoàn lao động tỉnh Bình Định (2015-2016). Được tặng bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (2018-2019)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ