Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để hỗ trợ nhau trong phương pháp, hình thức dạy học mới.
Tiết học thể dục qua clip
Từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, TP Vinh (Nghệ An) vẫn đang duy trì dạy học trực tuyến, do tính chất phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại đây. Đây cũng là năm thực hiện thay sách giáo khoa với học sinh khối lớp 2 và lớp 6. Trong bối cảnh này, việc dạy học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn với nhiều môn học, trong đó có môn Giáo dục thể chất.
Ngoài các môn văn hóa đang được triển khai đầy đủ theo kế hoạch, riêng môn Thể dục được giáo viên quay nhiều clip đăng lên hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến và youtube. Qua đó, giúp học sinh có thể tiếp thu bài một cách sinh động, trực quan.
Việc quay clip các động tác thể dục được nhóm giáo viên Giáo dục Thể chất của triển khai ngay từ ngày 6/9, thời điểm toàn tỉnh chủ trương dạy học trực tuyến. Thời gian đó, TP Vinh đang thực hiện Chỉ thị 16 để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cùng với việc lập các chốt kiểm soát ra vào địa bàn. Nhiều thầy cô của Phòng GD&ĐT thành phố Vinh cũng tình nguyện tham gia trực chốt, hỗ trợ phòng dịch. Tuy nhiên, tranh thủ lúc giao ca, các thầy không nghỉ ngơi mà dành thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Dụng cụ chỉ là chiếc điện thoại hoặc máy ảnh, chân máy, nhóm giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất của TP Vinh đã tự dàn dựng, soạn kịch bản và ghi hình các bài tập thể dục theo từng bài học trong chương trình SGK.
Dù gặp bỡ ngỡ ban đầu khi tự mình đứng trước ống kính, bên cạnh đó việc xử lý, cắt ghép, dựng clip hoàn chỉnh cũng mất nhiều thời gian, nhưng sau đó, các thầy dần quen thuộc và tự nhiên hơn.
Thầy Tạ Hồng Minh – giáo viên Trường THCS Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, TP Vinh) cho biết: “Các bài thể dục được trình bày đơn giản giúp học sinh nắm vững bài học và thực hành mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trong tiết học. Thực tế, đây cũng chính là bài tập thư giãn hiệu quả để các em bớt mệt mỏi trong những ngày liên tục học trực tuyến. Rất mừng là học sinh sau khi xem clip của nhóm giáo viên chúng tôi đã hưởng ứng và xem đó là những bài tập thường xuyên trong thời gian học tại nhà”.
Thầy Tạ Hồng Minh cũng cho biết thêm, các clip này cũng có thể coi là nguồn tài liệu dạy học sử dụng lâu dài. Đây cũng là cơ hội để các thầy trang bị thêm kỹ năng ứng dụng CNTT vào dạy học.
Để hỗ trợ học sinh trong toàn tỉnh, Sở GD&ĐT Nghệ An đã "đặt hàng" các giáo viên ở Phòng GD&ĐT thành phố Vinh xây dựng kho clip các bài giảng. Các clip dự kiến phát sóng trên truyền hình và gửi đến các nhà trường nhằm hỗ trợ các giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Thời điểm này, phần lớn địa phương tại Nghệ An đã dạy học trực tiếp. Việc dạy học trực tuyến chỉ áp dụng khoanh vùng đối với nơi có ca F0. Tuy nhiên, Sở chỉ đạo các trường song song duy trì dạy học trực tuyến để sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy học trong tình huống dịch bệnh phức tạp.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học trực tuyến
Trong thời gian đầu năm học, nhóm chuyên môn Toán các trường THPT cụm huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã kết hợp tổ chức chương trình tập huấn. Trong đó, ngoài phần kiến thức về chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì tập trung việc triển khai dạy học trực tuyến.
Theo thầy Chu Viết Tấn – Trường THPT Hoàng Mai, có nhiều giáo viên quen dạy học trực tiếp, nhưng chưa tiếp cận nhiều hoặc nắm bắt thành thạo công nghệ. Vì vậy, chương trình tập huấn sẽ hướng dẫn thầy cô từ những kỹ năng cơ bản nhất: vào dạy trực tuyến như thế nào, quản lý phòng học trực tuyến, tổ chức hoạt động cho học sinh...
Qua đó, đã giúp giáo viên chủ động trong dạy học trực tuyến khi các trường tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, sau khi trở lại học trực tiếp, những kỹ năng này vẫn tiếp tục hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong tổ chức hoạt động lớp học, giao bài, kiểm tra đánh giá học sinh qua phần mềm trực tuyến...
Sau chương trình, tổ trưởng bộ môn Toán của các trường THPT toàn tỉnh Nghệ An còn có buổi chia sẻ sinh nghiệm. Trên nền tảng học sinh cấp THPT đã có kỹ năng nhất định về công nghệ máy tính, sử dụng mạng Internet, thì giáo viên sẽ hướng dẫn, tổ chức dạy học cho các em kết hợp trực tuyến với trực tiếp.
Nhiều tháng qua, gian nhà nhỏ của cô Lương Thị Tâm – GV Tiếng Anh, Trường Tiểu học Bồng Khê (Con Cuông) được dành phần lớn diện tích làm phòng ghi hình, với sự hỗ trợ của nhiều thầy, cô khác trong toàn huyện.
Ban đầu, những bài giảng Tiếng Anh được soạn ra nhằm hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học online. Nhưng sau đó, kể cả học sinh được đến trường trực tiếp, thì đây chính là những bài bổ trợ để các em củng cố kiến thức khi chưa kịp tiếp thu đầy đủ trên lớp.
Các bài giảng được trình bày sinh động, dễ hiểu, được các cô dành nhiều tâm huyết, dành cho học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số, còn nhiều hạn chế về điều kiện học ngoại ngữ.
Trước đó, cô Lương Thị Tâm đã xây dựng kênh dạy học tiếng Anh trên Youtube với tên "Cô Tâm làng Cằng" – tên bản làng cô sinh ra, lớn lên tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Mục đích đem đến những bài học miễn phí cho học sinh, không chỉ tại Trường Tiểu học Bồng Khê nơi cô đang dạy học.
Ngoài ra, cô cũng triển khai dự án đào tạo giáo viên Tiếng Anh trẻ em phi lợi nhuận trên cả nước. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, cô Tâm triển khai tập huấn bằng hình thức trực tuyến, bao gồm kiến thức, phương pháp dạy học và cả cách xây dựng bài giảng online, giáo án điện tử.
Mới đây nhất, cô giáo dân tộc Thái cùng đồng nghiệp triển khai chương trình huấn thiết kế bài giảng Elearning cơ bản và video bài dạy với sự tham gia của nhiều giáo viên ở các tỉnh thành.