Cô giáo Tày 'sát cánh' cùng học trò nghèo

GD&TĐ - Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Đồng Thị Thoa đã ấn tượng bởi hình ảnh các thầy cô miệt mài, cần mẫn truyền đạt kiến thức, giúp trò xây dựng ước mơ.

Cô Đồng Thị Thoa, giáo viên Trường THPT Đình Lập hướng dẫn học sinh ôn lại bài. Ảnh: NVCC
Cô Đồng Thị Thoa, giáo viên Trường THPT Đình Lập hướng dẫn học sinh ôn lại bài. Ảnh: NVCC

Từ đấy, cô nữ sinh nhỏ luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực học tập để sau này trở thành một nhà giáo truyền cảm hứng, mang con chữ đến với trò nghèo người dân tộc thiểu số như thầy cô của mình.

Làm tất cả để học trò đến trường

Cô Đồng Thị Thoa là giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Đình Lập, huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Sinh ra và lớn lên ở huyện Cao Lộc (một huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn), từ thuở cắp sách đến trường, cô Thoa đã rất ham học, luôn nỗ lực để có thành tích tốt.

Với sở trường học tốt các môn khoa học tự nhiên, sau khi tốt nghiệp THPT, cô quyết thi vào ngành Sư phạm Hóa, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Cô Thoa kể: “Từ những năm 2010 trở về trước, ở quê tôi có một người đỗ đại học là niềm tự hào của cả xã. Bởi trong xã số người đi học đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay đặc biệt là nữ, đỗ ngành sư phạm lại càng hiếm”.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thoa thi đậu công chức và được phân công về Trường THPT Đình Lập công tác. Những năm đầu mới về công tác tại trường, đã không ít lần cô Thoa ngấn lệ khi nghe tin học trò phải nghỉ học vì gia đình khó khăn. Cô giáo người Tày đau đáu trước việc nhiều gia đình bắt con nghỉ học ngang chừng để phụ giúp làm kinh tế.

“Lúc nghe tin, tôi thương các em vô cùng. Các em tuổi còn nhỏ, còn bao ước mơ phía trước cuộc đời. Thay vì hàng ngày được đến trường học tập, khám phá những chân trời tri thức, các em lại phải đi lên rừng cạo nhựa thông hay đi làm công nhân tại các khu công nghiệp để mưu sinh.

Rất nhiều lần tôi và đồng nghiệp biết tin học trò nghỉ học đã đến tận nhà động viên, xin phụ huynh cho các em quay trở lại trường học xong THPT. Khi các em đã đủ 18 tuổi, có tấm bằng tốt nghiệp THPT sẽ đỡ vất vả hơn khi đi xin việc. Thế nhưng, thứ chúng tôi nhận lại được chỉ là cái lắc đầu của gia đình. Chúng tôi cảm thấy xót xa vô cùng”, cô Thoa tâm sự.

Thương, thấu hiểu những nỗi vất vả, thiệt thòi của trò gặp phải khi xa nhà đi học, cô Thoa không quản khó khăn, quyết bám trường, bám lớp, đem con chữ đến cho học trò. Ngoài việc giảng dạy kiến thức, cô Thoa luôn tranh thủ thời gian để trò chuyện, tâm sự động viên hướng dẫn học sinh các kỹ năng mềm, kỹ năng bảo vệ bản thân khi sống xa gia đình, biết nuôi hoài bão, ước mơ…

Nhiều năm gắn bó với Trường THPT Đình Lập, trong cô Thoa luôn đau đáu làm sao để giữ được học sinh ở lại lớp học. Cô đã sát sao cùng cán bộ lớp để hiểu, lắng nghe những khó khăn của trò. Khi thấy học sinh nào có nguy cơ bỏ học, sau mỗi tiết dạy cô dành thời gian để trò chuyện từ đó cùng trò tìm cách tháo gỡ. Nhờ sự gần gũi của cô Thoa và các đồng nghiệp mà nhiều năm trở lại đây, Trường THPT Đình Lập không còn học sinh nghỉ học giữa chừng.

Tuổi thanh xuân ở lại vùng cao

Là cô giáo trẻ, mới ra trường đã về công tác tại huyện miền núi nghèo, tình yêu nghề đã giúp cô Thoa vượt mọi khó khăn, gắn bó cả tuổi xuân để cống hiến cho ngôi trường vùng cao. Năm học 2019 - 2020, cô Thoa được ban giám hiệu, đồng nghiệp tín nhiệm phân công đảm nhận vai trò Trưởng bộ môn Hóa học của nhà trường và thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Hóa học tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm.

Năm học 2020 - 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải chuyển sang học trực tuyến. Ở khu vực miền núi nơi cô Thoa công tác, nhiều em gia đình khó khăn, chưa có thiết bị cũng như mạng Internet nên việc dạy học vô cùng khó khăn, vất vả.

Lo học sinh bị phân tâm do tác động của dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp, Ban Giám hiệu Trường THPT Đình Lập mượn địa điểm Trường PTDT nội trú THCS huyện Đình Lập cho học sinh không có điện thoại thông minh, mạng Internet để học trực tuyến đến ở tập trung tại đây học trực tiếp. Lúc đó, cô Thoa và các đồng nghiệp đã cùng nhau thay phiên nấu ăn cho trò. “Ngoài việc ban ngày lên lớp ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, buổi tối chúng tôi lại đến trường để kèm các em học, nhất những em sức học còn yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp”, cô Thoa chia sẻ.

Gắn bó cùng cô Thoa trong nhiều năm, cô Trần Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Đình Lập cho biết: “Cô Thoa là một giáo viên có chuyên môn vững; ý thức cao trong tự bồi dưỡng. Cô luôn làm việc có trách nhiệm, sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp. Đối với học trò, cô luôn tận tuỵ, dành nhiều thời gian để giảng dạy cũng như đồng hành để các em yên tâm học tập”.

“Tôi cũng xuất phát từ gia đình nghèo, con đường đến trường cũng gian nan vất vả. Bởi vậy khi trở thành một cô giáo, tôi không chỉ dạy kiến thức mà phải truyền cảm hứng, giúp trò biết xây dựng ước mơ, giáo dục các em biết cách làm người yêu thương, bao dung với mọi người xung quanh và có mục đích, lý tưởng sống…”, cô Đồng Thị Thoa, giáo viên Trường THPT Đình Lập, huyện Đình Lập, Lạng Sơn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Caffeine - có trong cà phê, trà và ca cao - có thể tác động tích cực đến các tế bào tiền thân nội mô.

Thức uống tốt cho tim mạch

GD&TĐ - Một nghiên cứu mới từ Đại học Sapienza (Italy) cho thấy, uống trà và cà phê có thể tốt cho tim mạch.