Tình yêu đối với di sản truyền thống
Cô Hoàng Thị Nhung, người con của dân tộc Tày, hiện đang là giáo viên Trường Mầm non Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Từ nhỏ, cô Nhung đã được nghe những làn điệu then, tiếng đàn tính từ ông bà, cha mẹ. Những lời hát ngọt ngào, sâu lắng ấy qua năm tháng ngấm dần trong tư tưởng, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bản thân, của gia đình và của bản làng nơi cô sinh sống.
Khi về dạy học tại Trường Mầm non Đồng Tâm, cô giáo Hoàng Thị Nhung vừa tích cực trau dồi chuyên môn, vừa tham gia các hoạt động phong trào và với tình yêu say đắm dành cho hát then cô đã đề xuất với Ban giám hiệu Nhà trường lồng ghép việc dạy hát then cho học sinh trong trường. Ý tưởng đó ngay lập tức được Ban giám hiệu và các giáo viên trong trường ủng hộ.
Thông qua việc sưu tầm các bài hát then, cô Nhung đã mạnh dạn đưa một số bài hát vào các tiết học âm nhạc, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề vừa tuyên truyền, khuyến khích trẻ mầm non tìm hiểu và cùng tham gia hát then.
Cô giáo Hoàng Thị Nhung cho biết: Hát then – đàn tính là một loại hình dân ca đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn, tuy nhiên hát then-đàn tính chủ yếu được giảng dạy trong các trường văn hóa nghệ thuật, các câu lạc bộ đàn và hát dân ca.
Do đó, để góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp những lời then tiếng tính, những làn điệu dân ca tiếp tục bay cao, bay xa và sống mãi với thời gian thì hát then – đàn tính cần được phổ biến một cách rộng dãi tại các nhà trường.
Đối với trẻ mầm non, lứa tuổi còn rất nhỏ, việc đưa các làn điệu hát then vào trong giảng dạy là việc làm không đơn giản, chủ yếu giúp trẻ nhận biết, tìm hiểu từ trang phục, đạo cụ đàn, quạt, giai điệu, tiếng hát qua đó trẻ sẽ cảm nhận được cái hay, cái đẹp và tiếp thu ý nghĩa lời hay ý đẹp của ca từ.
Khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước
Cô Nhung cho biết thêm, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bản thân lại càng có nhiều thời gian để tìm hiểu, sưu tầm thêm các bài hát, luyện tập và ngay sau khi học sinh được đến trường học tập trực tiếp. Cô Nhung đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường và được tạo điều kiện cũng như cơ hội đưa những làn điệu truyền thống của dân tộc đến gần hơn với các em học sinh. Những bài Then đưa vào dạy học có rất nhiều ý nghĩa, có bài nói về cảnh đẹp của quê hương, bài về tình yêu đất nước, yêu dân tộc…
Đến nay, những tiết mục hát then, đàn tính đã được cô Nhung biểu diễn thường xuyên trên sân khấu vào các dịp khai giảng, ngày lễ hay các hội thi diễn văn nghệ. Hát then – đàn tính được đưa vào các tiết học âm nhạc, hoạt động ngoại khóa đã thu hút nhiều học sinh tham gia, mặc dù các con tiếp cận và tiếp thu một cách đơn giản, nhưng điều đó cũng chứng minh cho việc gìn giữ, bảo tồn hát then trong nhà trường là việc làm rất ý nghĩa và cần thiết.
CôNguyễn Thị Thu – Phó hiệu trưởng Trường mầm non Đồng Tâm khẳng định: Đối với học sinh việc lồng ghép nghệ thuật hát then vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị văn hóa, tinh hoa nghệ thuật của dân tộc mà còn có tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của học sinh, giúp trẻ phát triển khả năng thẩm mỹ, tình cảm đạo đức, lối sống đẹp.
Trong những năm học qua Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn có nội dung hát then để tập huấn cho giáo viên; đồng thời khuyến khích giáo viên lựa chọn và đưa những bài hát có ca từ phù hợp, hấp dẫn để góp phần ca ngợi về quê hương Bắc Kạn thân yêu.
Việc cô Nhung đưa hát then – đàn tính vào trong các tiết dạy học tại nhà trường là hoạt động thiết thực được Ban giám hiệu nhà trường rất ủng hộ. Thông qua các tiết học âm nhạc không chỉ giúp trẻ hiểu ý nghĩa và vốn từ tiếng Tày, nhớ lời hát, tiếp thu lời ca và các làn điệu then.
Bên cạnh đó, nghệ thuật hát then còn được giữ gìn và trao truyền qua năm tháng, đây được xem là một trong những giải pháp rất hữu hiệu để bảo tồn di sản truyền thống, làm thăng hoa làn điệu dân ca và hình thành ý thức dân tộc, khơi dậy tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.
Thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động văn nghệ để hát then, đàn tính ngày càng có sức sống trong đời sống tinh thần của mỗi học sinh, qua đó giúp trẻ có cơ hội giao lưu học hỏi toàn diện, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục ngoài giờ lên lớp.