Cô giáo “Hai giỏi”

GD&TĐ - Không hiểu sao, khi nghĩ về cô giáo Trần Thị Hằng (Trường Tiểu học Phù Đổng, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), tôi lại cứ nghĩ đến câu hát: “Khi chia tay, anh dạo trên bến cảng/ Biển một bên và em một bên/ Biển ồn ào, em lại dịu êm…”.

Cô giáo “Hai giỏi”

Chồng là bộ đội hải quân, đóng quân ở Trường Sa nên cho dù chuyển công tác từ Hải Phòng vào Đà Nẵng theo chồng, nhưng mười mấy năm qua, cô giáo Hằng vẫn một tay lo toan mọi việc gia đình, chăm sóc con nhỏ. Không những thế, nhiều năm liền, cô còn là giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở để chồng yên tâm công tác.

Học sinh đem lại cơ hội tự nâng cao cho giáo viên

Vào ngành năm 1991, 5 năm sau đó, cô giáo Trần Thị Hằng xin chuyển công tác vào Đà Nẵng: “Tiếng là để đoàn tụ gia đình, nhưng mình tự vào một mình, chỉ có đồng đội của chồng đi đón ở ga tàu, tự liên hệ công tác… cho đến gần một năm sau thì mới gặp lại ông xã” - cô Hằng kể.

Được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (Q. Sơn Trà), cũng phải mất một tuần đầu, cô giáo phải chật vật lắm mới nghe được giọng nói của HS:

“Các em nói giọng miền biển, vừa nặng, vừa nhanh, có khi gọi HS đứng lên phát biểu mà mình không biết các em trình bày những gì để nhận xét đúng, sai. Cũng may trong lớp có một số HS có bố mẹ là người Bắc, biết cô giáo chưa thông thạo tiếng Quảng Nam - Đà Nẵng nên “dịch” lại cho cô”.

Không lẽ lại chuyển ngược ra quê chỉ vì lý do như thế, cô Hằng quyết định đến lớp sớm hơn vào đầu buổi, trò chuyện nhiều hơn với HS, từ nào lạ, không hiểu lắm thì ghi vào sổ, hỏi chuyện đồng nghiệp…, “học “cấp tốc” như thế, khoảng nửa tháng sau thì mình có thể có chứng chỉ tiếng Quảng ngang với bằng A” - Cô Hằng cười vui.

Tôi có hơi chút ngạc nhiên khi cô Trần Thị Hằng kể, đến bây giờ, cô vẫn duy trì thói quen ghi lại những lưu ý, những điểm cần phải lưu ý ở từng chương, từng bài cần quan tâm đến vấn đề gì, học sinh hay vấp lỗi gì, khó hiểu ở đâu… thành một quyển sổ tích lũy kinh nghiệm.

“Cứ mỗi năm một ít như thế, nên kinh nghiệm đứng lớp, ứng xử với các tình huống sư phạm của mình như thế mà dày thêm. Học sinh Tiểu học bây giờ cũng có nhiều kênh để tham khảo, tìm hiểu thông tin; chính vì vậy, bản thân giáo viên cũng phải tự bổ túc kiến thức cho mình mới có thể chủ động được trong các tình huống” - cô Hằng kể.

“Có những bài toán khó, học sinh của mình theo học ở các trung tâm nâng cao không thể giải được, các em cũng mang lên lớp nhờ cô hướng dẫn. Có khi chính phụ huynh gọi điện thoại nhờ cô giáo “giải cứu” giúp.

Học sinh của mình cũng hay thắc mắc những kiến thức ngoài sách giáo khoa, các hiện tượng trong thiên nhiên… nên GV phải học hỏi không ngừng. Và không ai khác, chính HS đưa lại cho mình cơ hội để học hỏi”.

Theo cô Trần Thị Hằng, từ khi triển khai thực hiện đánh giá HS Tiểu học theo thông tư 30, cô luôn phải nghĩ những cách thức động viên, khuyến khích HS kịp thời. “Có không ít ý kiến cho rằng, bỏ chấm điểm cũng đồng thời làm HS mất dần động cơ học tập.

Trước đây, phụ huynh chỉ chăm chú vào điểm số chứ không mấy quan tâm đến nhận xét của GV. Với việc đánh giá HS bằng nhận xét, dù HS đạt ở mức hoàn thành nhưng cách nhận xét của GV ở mức HS đạt điểm 8 như trước đây hoàn toàn khác với cách nhận xét của một em hoàn thành ở mức 9,10 điểm.

Những buổi sinh hoạt cuối tuần, cuối tháng, cách mà cô giáo nhận xét, tuyên dương những bạn xuất sắc trong học tập hoặc những bạn có nhiều tiến bộ vượt trội… cũng là một cách giáo viên truyền lửa cho HS. Rồi thông qua cách tổ chức các trò chơi, GV phải sáng tạo, đổi mới để làm sao trò chơi phải phù hợp với từng môn học và cả đối tượng HS…”.

Tâm sự về nghề, cô giáo Trần Thị Hằng nói rất chân tình: “GV phải có ý thức gìn giữ, xây dựng uy tín của mình; muốn được phụ huynh và HS tin tưởng thì không còn cách nào khác là phải tự phấn đấu, tự nuôi dưỡng và duy trì lòng yêu nghề”.

Một giờ dạy bằng giáo án điện tử của cô Trần Thị Hằng
Một giờ dạy bằng giáo án điện tử của cô Trần Thị Hằng

Điểm tựa của trùng khơi

Thời gian đầu mới vào Đà Nẵng, phải làm quen với môi trường mới, chưa được bao lâu thì lại phải một mình chăm con nhỏ, nhưng cô Trần Thị Hằng luôn là GV dạy giỏi.

“Buổi tối, cho con ngủ xong thì mình mới bắt đầu soạn bài, chấm bài; giấc ngủ ngắn lại để công việc giảng dạy được tốt lên. Mình không nghĩ đó là sự hy sinh, bởi mình phải nỗ lực gấp nhiều lần để chồng còn yên tâm công tác, để chồng không phải dằn vặt vì không đỡ đần gì được cho vợ, và đó cũng là bởi vì lòng tự trọng nghề nghiệp của mình nữa.

Trong mọi chế độ, chính sách, mình thường được nhận sự ưu
tiên của tổ chức công đoàn. Nhưng thực ra, có những trường hợp còn khó khăn hơn gia đình mình nhiều. Chính vì vậy, mình tự nhủ phải luôn phấn đấu, học hỏi, trong chuyên môn, nghiệp vụ càng không nên ỷ lại” - Cô Hằng tâm sự.

Dù con gái đã lớn, vừa mới thi vào lớp 10 THPT, nhưng cô giáo Trần Thị Hằng vẫn nhớ như in những ngày tháng một mình chăm con lúc con ốm, con đau:

“Cho đến gần sát ngày mình sinh con thì chồng mới được về nhà. Chồng mình cứ hai năm liên tục ở Trường Sa thì có một năm ở đất liền. Tiếng là ở đất liền nhưng cũng không được ở nhà mà thường
xuyên đi công tác.

Thời chưa có điện thoại di động như bây giờ, nhà chỉ có máy để bàn, có khi con nằm viện suốt cả tuần, ông xã mình gọi điện hoài không gặp. Sau này chồng hỏi thì cũng chỉ nói là chắc lúc đó hai mẹ con đi chơi chứ cũng không dám kể về bệnh tình của con, về những hôm phải ôm con đi suốt dọc hành lang bệnh viện vì con quấy, con khóc…

Mình cũng là con nhà lính, nên hiểu hết những xót xa, lo lắng, dằn vặt của chồng khi phải gác lại việc gia đình để toàn tâm bám biển. Đã là vợ của lính đảo thì phải coi sự hy sinh là bình thường, bởi anh ấy còn hy sinh gấp mình ngàn lần.

Sự gắn kết giữa các anh với đất liền, người thân trong những ngày lênh đênh đầu sóng ngọn gió là qua hệ thống visat gọi về và đồng đội ở đất liền làm cầu nối…”.

Cô Trần Thị Hằng còn gửi gắm tình yêu dành cho chồng và biển đảo quê hương qua những bài thơ đầy tính tự sự, qua những hoạt động tuyên truyền, hướng về biển đảo như thi tìm hiểu về Trường Sa - Hoàng Sa, góp đá xây Trường Sa, các hoạt động giới thiệu sách về chủ đề biển đảo…

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.