Cô giáo Hà Nội tâm huyết giúp trẻ thêm yêu nghệ thuật dân gian

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc, đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong các hình thức, phương pháp dạy học.

Cô trò cùng thực hiện tạo hình những tác phẩm tranh Hàng Trống.
Cô trò cùng thực hiện tạo hình những tác phẩm tranh Hàng Trống.

Tận tụy với công việc

Hơn 22 năm công tác, cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - giáo viên, khối trưởng khối mẫu giáo lớn, Trường Mầm non Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn tận tụy với công việc, thân thiện, hòa đồng với mọi người, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý, được học sinh và phụ huynh tín nhiệm, tin yêu.

Kể về đồng nghiệp của mình, nhà giáo Lương Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung cho biết: Trong suốt những năm gắn bó với nghề, cô Ngọc luôn thể hiện sự tận tụy, tâm huyết, không ngừng đổi mới và sáng tạo, nỗ lực trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, luôn hết lòng vì sự nghiệp "trồng người".

Cô luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một cô giáo mầm non. Ngoài kiến thức vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất là cô có một tình thương yêu lớn, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì sự bền bỉ đối với công việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Trẻ ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc đã thực sự là một tấm gương mẫu mực cho trẻ noi theo.

img-0099.jpg
Cô Ngọc thực hiện quá trình làm tranh.
img-0107.jpg
Cô Ngọc trao đổi cùng cô hiệu trưởng về cách thức thực hiện quá trình làm tranh.

Cô có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong các hình thức, phương pháp dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Cô đã thường xuyên cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến của trường quốc tế UNIS phù hợp và hiệu quả tại trường.

Với cương vị là khối trưởng khối Mẫu giáo lớn Trường mầm non Quang Trung, cô đã luôn khắc phục mọi khó khăn, hết lòng tận tụy giúp đỡ chị em giáo viên trong công việc, tích cực lan tỏa tình yêu nghề tới bạn bè đồng nghiệp.

Cô luôn phối hợp cùng tổ chuyên môn nhà trường tìm kiếm những giải pháp, hướng đi mới, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và truyền thông giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, từng bước vững chắc đi lên, bắt kịp với xu hướng đổi mới chương trình giáo dục mầm non và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình công tác, cô đã nhận được nhiều phần thưởng như: Giải Nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố; nhiều năm đạt danh hiệu người tốt việc tốt và Chiến sĩ thi đua; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học quận Hoàn Kiếm công nhận.

img-0341.jpg
Trẻ hào hứng khi tham gia giờ học nghệ thuật.
img-0325.jpg
Giờ học trải nghiệm tranh Hàng Trống của cô trò Trường Mầm non Quang Trung.

Giúp trẻ thêm yêu nghệ thuật dân gian

Một sáng tạo nổi bật, độc đáo của cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Ngọc phải kể đến đó là giờ học tổ chức cho trẻ tạo hình về Tranh dân gian Hàng Trống. Qua đó giúp trẻ cảm nhận được cái đẹp của dòng tranh dân gian truyền thống của dân tộc.

Cô Ngọc chia sẻ, trong các dòng tranh dân gian của Việt Nam thì tranh dân gian Hàng Trống là dòng tranh nổi tiếng, đặc sắc. Tranh thường được treo vào ngày Tết, với những lời chúc và cầu mong một năm mới luôn may mắn, bình an và thành công. Tuy vậy hiện nay, dòng tranh này gần như đã bị mai một, chỉ còn lưu giữ trong các viện bảo tàng.

Tranh Hàng Trống được làm chủ yếu ở phố Hàng Trống, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, là nơi tọa lạc của nhà trường. Tìm hiểu về tranh Hàng Trống cũng chính là tìm hiểu về văn hóa truyền thống của vùng đất Hoàn Kiếm, Hà Nội, nơi các em học sinh nhà trường sinh ra và lớn lên, từ đó giúp các em có thêm hiểu biết, thêm tự hào và Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nói về ý tưởng của mình, cô Ngọc cho biết, sau nhiều ngày trăn trở cùng với ý tưởng đã có từ trước, cô đã tìm đến gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống hiện đang sinh sống ở Hà Nội để trao đổi, trò chuyện, tìm hiểu kỹ về quy trình làm tranh.

Qua tìm hiểu, cô được biết Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu bằng tay. Từ các bản khắc gỗ, những bức tranh đã được in ra bằng mực Tàu mài nguyên chất. Do cách tô màu bằng tay cho nên tranh Hàng Trống có đặc điểm mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng, uyển chuyển.

img-0302.jpg
Cô trò hào hứng tìm hiểu quá trình làm tranh dân gian Hàng Trống.
img-0197.jpg
Cô giáo giới thiệu về giá trị của tranh dân gian Hàng Trống cho học sinh.

Để phù hợp với lứa tuổi học sinh mầm non, cô Ngọc đã lựa chọn những hình ảnh gần gũi với trẻ em như cá chép trông trăng, chim công, gà trống. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, cô Ngọc đã gặp khó khăn khi chạm trổ những chi tiết uốn cong, những nét mảnh, nhỏ bởi gỗ là chất liệu cứng, đòi hỏi người làm khuôn phải rất cẩn thận, khéo léo.

Sau nhiều ngày trăn trở, suy nghĩ kiếm tìm các nguyên vật liệu, cô Ngọc đã tìm ra chất liệu bằng xốp mềm vừa dễ cắt, dễ trổ. Từ đây, những bộ khuôn in được ra đời. Việc lựa chọn nguyên liệu bằng xốp mềm thay thế gỗ đã giúp nhà trường và cô giáo tiết kiệm chi phí, dễ thực hiện, dễ vệ sinh và mang lại hiệu quả cao khi sử dụng cho trẻ tạo hình.

Với những khuôn in do bàn tay khéo léo của cô Ngọc tạo ra như: Cá chép trông trăng, chim công, gà trống..., trẻ đã có được trải nghiệm làm tranh vô cùng hứng thú và tích cực. Qua hoạt động này, cô giáo đã giúp trẻ hiểu thêm về văn hóa dân gian truyền thống, tự hào và có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của tranh dân gian Hàng Trống.

Dù làm tranh bằng vật liệu thay thế có thể sẽ không đạt được giá trị nghệ thuật như vật liệu truyền thống nhưng những bức tranh cô tạo ra đã mang những bản sắc riêng. Thông qua hoạt động tạo hình, trẻ nhớ được quy trình tạo hình làm tranh Hàng Trống, biết sử dụng kỹ thuật in, vẽ, tô màu thể hiện cảm xúc của mình; qua đó hiểu ý nghĩa, nội dung, giá trị nghệ thuật của tranh dân gian.

Bà Lương Thị Thúy Nga- Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung cho biết, tiết học làm tranh dân gian Hàng Trống của cô Nguyễn Thị Mỹ Ngọc luôn được các học sinh mong chờ, háo hức tham gia. Ban đầu, cô chỉ cho học sinh xem và làm quen với tranh, dần khơi dậy sự yêu thích, mong muốn tìm hiểu của học sinh. Từ tiết dạy đó, cô Ngọc sáng tạo thành bài giảng điện tử, chia sẻ và lan tỏa đến các đồng nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.