Trở về trường xưa
Sinh ra trong gia đình không có ai làm nghề giáo, ba là một người nông dân chân chất, mẹ là một người phụ nữ nội trợ nhưng ngay từ nhỏ, Thanh Hải đã nuôi ước mơ làm cô giáo.
Năm 2001 tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn, chuyên ngành Tin học, cô Hải xin việc làm ở công ty tư nhân. Năm 2002 Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai xét tuyển giáo viên Tin học, cô đã nộp hồ sơ xét tuyển. Khi trúng tuyển cô đã chọn xin về lại ngôi trường ngày xưa đã học để được cùng với các thầy, cô giáo của mình tiếp tục sự nghiệp trồng người. Ở đây mình được chính các thầy cô giáo của mình dìu dắt, hướng dẫn để cô ngày càng trưởng thành hơn.
Tích cực trong công tác công đoàn
Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Thanh Hải còn tham gia tích cực trong hoạt động công đoàn . 9 năm làm công tác công đoàn trong đó 3 năm là công tác trưởng Ban Nữ công, 5 năm là Phó Chủ tịch Công đoàn kiêm trưởng Ban nữ công và từ năm 2018 là Chủ tịch công đoàn cơ sở.
Vừa làm công tác chuyên môn, vừa tham gia công đoàn, song cô giáo Thanh Hải luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.Từ năm 2012 - 2017 cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh năm 2017, chiến sĩ thi đua cơ sở liên tục từ năm 2014 -2017. Năm 2017 cô được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, cô tích cực xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị như: Phát động các phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, tổ chức cho đoàn viên lao động Trường THPT Lê Quý Đôn đến giao lưu học hỏi kinh nghiệm với đơn vị trường bạn với nhiều nội dung như: Thi đấu bóng đá nam, nữ, bóng chuyền nam, thi đấu cầu lông nữ, giao lưu văn nghệ thể thao...
Nhân các ngày lễ lớn như ngày 8/3, 20/10 và các ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử của ngành, của công đoàn, CĐCS, Trường THPT Lê Quý Đôn thường tổ chức các buổi tham quan dã ngoại, tọa đàm, giao lưu văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, thi cắm hoa, nấu ăn... Các hoạt động đã góp phần xây dựng hình ảnh nữ nhà giáo năng động, hiện đại, phát huy năng lực trong công tác và hoạt động xã hội, chăm sóc gia đình.
Cùng với đó, cô còn phát động phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với nội dung chuẩn mực người phụ nữ ngành Giáo dục thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tiếp tục được phát động, duy trì sâu rộng trong toàn ngành; Lồng ghép các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình nhà giáo văn hoá”, nhằm phát huy trí tuệ, tài năng và nâng cao vị thế của nữ nhà giáo và lao động đối với toàn xã hội.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Gia Lai |
Tạo điều kiện tốt để học sinh đến lớp
Cô Thanh Hải cho biết, học sinh của trường phần lớn các em ở vùng điều kiện khó khăn, phải trọ học, vì vậy khi nào có thể cô đều quan tâm đến việc ăn ở, điều kiện học tập của em. Cùng với Ban giám hiệu nhà trường, cô bố trí sắp xếp cho các em được trọ học tại khu nhà công vụ của nhà trường.
Đối với những học sinh có điều kiện quá khó khăn, công đoàn phối hợp với nhà trường hỗ trợ tiền ăn, mua gạo cho các em. Có năm học, công đoàn kêu gọi giáo viên đóng góp mỗi tháng 700.000 đồng trao cho học sinh để học sinh có đủ điều kiện đến lớp và học tập như các bạn.
Gắn bó với ngôi trường THPT Lê Quý Đôn 16 năm, mỗi năm gần kết thúc năm học, cô Hải thường cho các em viết cảm nghĩ của mình về môn học, về cô giáo của mình. Điều để lại trong cô đối với học sinh của mình “em rất sợ cô, nhưng cũng thương cô lắm, cô lúc nào cũng nghiêm khắc với chúng em nhưng rất quan tâm đến chúng em. Mặc dù sợ cô nhưng rất thích học cô vì cô giảng bài rất dễ hiểu, cô luôn công bằng với chúng em”. Những lời tâm sự của các em chính là niềm động viên để cô có thêm động lực gắn bó với nghề dạy học.
Cô Hải tâm sự: “Là một cán bộ công đoàn như người ta thường nói “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” , nếu chúng ta không có nhiệt huyết, không có tâm, không có lòng thì không thể làm gì được hết. Mỗi khi phát động một phong trào thi đua nào đó nếu mình không lăn vào thì mọi người không ai tham gia cả, nếu có thì cũng chỉ làm chiếu lệ cho xong.
Đặc biệt là một Chủ tịch Công đoàn cần phải công tâm trong công tác thi đua khen thưởng, phải xây dựng được một phong trào hoạt động tích cực trong toàn đơn vị, đảm bảo sự công bằng, dân chủ trong đơn vị, là chỗ dựa tinh thần cho công đoàn viên lao động, là nơi gửi gắm tâm tư nguyện vọng cho người lao động”.