Trăn trở với những tiết học Địa lý
Chính vì vậy, qua mỗi năm học cô luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi, cải tiến để tạo nguồn cảm hứng trong học tập cho học sinh, từ đó tạo ra những tiết học thú vị.
Là một giáo viên Địa lý giảng dạy nhiều năm, cô thấy được sự cần thiết của đồ dùng dạy học, nhưng nhiều nơi còn thiếu, đặc biệt là những vùng nông thôn. Từ trăn trở đó, cô đã lên ý tưởng, sáng tạo ra sản phẩm mô hình “Thiên nhiên hùng vĩ” để phục vụ cho việc dạy và học bộ môn.
Mô hình phần lớn là các nguyên liệu tận dụng, rẻ tiền, dễ kiếm, dễ làm nên rất dễ được phổ biến, nhân rộng. Qua thực tế khi đưa đồ dùng này vào giảng dạy, cô đã thu được kết quả đáng phấn khởi, các em học rất thích thú với môn Địa lý, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt.
Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng ra rất nhiều trường trong địa bàn huyện Thanh Oai. Với những tính năng của sản phẩm, nên mô hình đã đạt giải Ba cấp Thành phố Hội thi Thiết bị dạy học tự làm ngành GD-ĐT năm 2016.
Không những sáng tạo ra đồ dùng dạy học, cô còn thay đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học cũ bằng phương pháp, kỹ thuật dạy học mới để cho quá trình dạy học đạt hiệu quả cao hơn.
Và cô là một trong những người đi đầu của huyện áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực như kỹ thuật trạm, kỹ thuật mảnh ghép, kỹ thuật khăn phủ bàn…vào các tiết dạy trên lớp, các tiết thi giáo viên giỏi.
Khi áp dụng các kỹ thuật dạy học mới đó, học sinh rất tích cực tham gia hoạt động làm cho tiết học sôi nổi, hào hứng, yêu thích môn học hơn.
Bản thân cô khi áp dụng các kĩ thuật mới vào giảng dạy đã đạt giải Nhì Hội thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố môn Địa lý cũng như đạt loạt A sáng kiến kinh nghiệm: “Vận dụng một số kỹ thuật dạy học tích cực vào dạy học Địa lý ở trường THCS”.
Hết lòng vì học sinh
Là giáo viên cốt cán trong cả hai phân môn Lịch sử và Địa lý, cô cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ giáo viên của huyện thông qua các chuyên đề do Phòng GD&ĐT tổ chức.
Sự nhiệt tình, kiến thức, kinh nghiệm và những chia sẻ cởi mở, chân thành của cô khiến cho những đồng nghiệp đi dự chuyên đề do cô phụ trách đều thấy hứng thú và thiết thực.
Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cô được nhà trường tin tưởng giao trọng trách đảm nhận cùng lúc 2 đội tuyển Địa lý và Lịch sử.
Cô luôn tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để biên soạn nội dung ôn luyện theo các chủ đề, đồng thời truyền cảm hứng để các em học sinh yêu thích với môn học, do vậy học sinh tham gia đội tuyển ngày càng đông và đạt nhiều thành tích cao.
Ngoài ra, cô còn đảm nhiệm công việc Tổng phụ trách Đội mặc dù cô không được đào tạo về nghiệp vụ công tác Đội nhưng cô luôn tự rèn luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mô hình "Thiên nhiên hùng vĩ" của cô Bùi Thị Luận |
Cô đã đứng lên thành lập “Quỹ tình thương”, giành tặng cho các em những món quà như sách vở, đồng phục… Với ý nghĩa đó, quỹ ngày càng lớn, đã có rất nhiều giáo viên và phụ huynh cùng tham gia.
Đã nhiều năm, cô luôn tự nguyện dạy nhiều hơn số tiết theo quy định, cô còn dạy học miễn phí cho các em trong các đội tuyển, ôn thi vào lớp 10 THPT. Ngoài giờ học chính khóa, cô còn trực tiếp đưa các em về nhà ôn luyện.
Tấm lòng nhân ái, hết lòng vì học sinh của cô giáo Bùi Thị Luận đã lan tỏa sâu rộng, đã trở thành tấm gương, người truyền cảm hứng trong tập thể nhà trường, được đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh tin yêu.
Được biết, dịp 20/11 vừa qua, cô vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà giáo tâm huyết sáng tạo.
Cô Luận chia sẻ: “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình”. Cô miệt mài sáng tạo không ngừng nghỉ vì cô luôn nghĩ “Với nghề dạy học không thể nhìn thấy kết quả của một ngày làm việc. Kết quả ấy vô hình và có lẽ vẫn còn đó đến 20 năm sau”.