Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên Trường Tiểu học Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Theo chồng bỏ… Thủ đô
Giữa mênh mông biển cả, tâm hồn của cô giáo trẻ ngày đầu đứng lớp chới với trong muôn vàn khó khăn. Nhiều khi Trang tự hỏi “rời nơi phồn thịnh về đảo nghèo công tác liệu có là sai lầm của tuổi trẻ, ngựa non háu đá chăng”? Nhưng sau 5 năm gắn bó với ngành Giáo dục huyện đảo Vân Đồn, cô giáo trẻ cho rằng, đó là quyết định đúng đắn và không hối hận.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Âm nhạc Hà Nội vào năm 2014, Nguyễn Thị Trang (SN 1992) đã theo chồng về huyện đảo Vân Đồn. Lựa chọn của Trang không được gia đình ủng hộ bởi người thân cho rằng cô đang đi ngược xu thế.
Trang chia sẻ: “Khi tôi theo học đại học, bố mẹ có tâm nguyện con gái sẽ ở lại Hà Nội xin vào trường công lập để ổn định công tác. Nhưng bén duyên với chàng trai miền biển Vân Đồn, tôi đã quyết theo chồng về quê lập nghiệp”.
Quyết định của Trang bị bố mẹ ra sức ngăn cản. Ông bà lo cô con gái “ăn chưa no, lo chưa tới” sẽ không chịu được khó khăn, vất vả nơi đầu sóng, ngọn gió. Thực tế nhiều thanh niên sống ở đảo ngày ngày nỗ lực để vào được đất liền. Thậm chí, những sinh viên là con em các gia đình trên đảo sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không muốn quay trở lại quê lập nghiệp vì cái khó, cái nghèo nơi đây.
Biết trước những khó khăn, nhưng Trang vẫn không từ bỏ quyết định. Năm 2016 - 2017, Trang nhận quyết định công tác tại Trường PTCS Minh châu (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn), trường học thuộc xã đảo khó khăn, cách nhà chồng cô khoảng 2 tiếng chạy tàu biển.
So với các địa bàn khác, giáo dục Vân Đồn còn nhiều khó khăn. Nhưng so trong toàn huyện, giáo viên công tác tại các trường tuyến xã đảo gian nan, vất vả hơn nhiều. Để thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự sẻ chia giữa đồng nghiệp, ngành Giáo dục huyện Vân Đồn có một quy ước rằng, mỗi cán bộ, giáo viên công tác trong huyện đều đi phải “nghĩa vụ” ngoài đảo từ 3 đến 5 năm. Nhưng thực tế không đợi đến lượt, nhiều thầy cô giáo đã xung phong, tình nguyện ra đảo để được cống hiến, cô giáo Trang là một trong số đó.
Trang chia sẻ, năm 2016 sau 2 năm ngày ra trường, được đi dạy, được làm nghề mình chọn cô rất hào hứng, hồi hộp. Ngày đầu đặt chân ra đảo còn bỡ ngỡ và lạ lẫm. Ra đảo công tác, Trang mang theo con thơ 18 tháng tuổi. Trang kể: “Ngày lại ngày, sau những giờ lên lớp, tôi lại về căn phòng nhỏ của dãy nhà tập thể giáo viên, chuẩn bị bữa ăn cho 2 mẹ con. Khi con ngủ ngoan cũng là lúc tôi miệt mài soạn bài cho những tiết học ngày hôm sau”.
Gần 3 triệu đồng tiền lương không thể đủ để 2 mẹ con Trang chi tiêu trong một tháng. Nên ngoài thời gian làm việc, ngày nghỉ cô giáo trẻ tranh thủ gửi con để đi đánh hà, bổ hàu, vạng rùa kiếm thêm thu nhập. Dịp hè, cô còn làm hoa đá để bán.
Hết “nghĩa vụ” 3 năm tại Trường PTCS Minh Châu, Trang tình nguyện ở lại đảo Quan Lạn, xin về Trường Tiểu học Quan Lạn. Chồng công tác xa, một mình không thể lo lắng cho 2 con nên Trang gửi con lớn cho mẹ chồng chăm giúp. Bé thứ 2 mới được 6 tháng, không nỡ xa con nên Trang quyết định mẹ con bồng bế nhau ra đảo. Con thơ bé bỏng lại một thân một mình không có ai giúp đỡ, Trang phải trích nửa tháng lương để thuê người phụ giúp.
“Đối với tôi, những sinh hoạt đời thường thì có thể lặp lại nhưng con đường mà tôi đang lựa chọn là tâm nguyện của bao thế hệ giáo viên. Chúng tôi đều ý thức được trọng trách lớn lao của mình mà phụ huynh trao gửi. Trong khi ngành Giáo dục đang có những bước đổi mới mang tính bước ngoặt, giáo dục biển đảo rất cần những thầy cô tiên phong, dám nghĩ, dám làm và ham mê đổi mới”.
Những tháng ngày vất vả dần qua đi cùng sự lớn khôn của con trẻ, những cống hiến mà cô giáo Trang mang lại cho ngành Giáo dục được ghi nhận, đánh giá cao. Cô Trang là một trong những giáo viên trẻ, dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi được phụ huynh tin yêu trao gửi con em.
Gắn bó với đảo Quan Lạn 5 năm, từ vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, thanh bình và sự mộc mạc của con người nơi đây đã khiến Trang yêu đảo và tự nhủ Quan Lạn là quê hương thứ hai của mình.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Chải - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quan Lạn nhận xét, cô Trang là một trong những giáo viên trẻ, năng động, một tổng phụ trách Đội tài năng. Cô là một trong những giáo viên tiên phong đổi mới, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Cậu bé “không biết học”
Trang kể, gần 5 năm công tác trong ngành, có những lúc cô như vỡ òa hạnh phúc khi học trò đạt được thành tích cao. Nhưng nhiều khi cô không khỏi phiền lòng vì học trò chưa ngoan. Ấn tượng sâu sắc nhất với cô là vào năm thứ 2 khi công tác tại Trường PTCS Minh Châu. Lúc đó, cô được lãnh đạo nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 6.
“Trước khi nhận lớp, thầy hiệu trưởng dặn dò tôi rằng: Đây là một lớp cần rất nhiều tình thương của người giáo viên. Vì các em mới bước lên cấp 2 còn nhiều bỡ ngỡ”, cô Trang nhớ lại.
Ngày đầu tiên bước vào lớp, cô Trang bất ngờ thấy học trò của mình nhỏ bé, ngồi lọt thỏm trên những chiếc ghế học sinh hướng ánh mắt lạ lẫm về phía cô. Ở đảo điều kiện sống của người dân còn khó khăn, cha mẹ trẻ không quan tâm đến chuyện học hành của con em mình mà chủ yếu phó thác cho nhà trường. Vì thế, nhiều em chậm tiếp thu kiến thức.
Minh Ngọc là cậu học trò được Trang chú ý nhiều nhất. Bởi với đôi mắt biết cười và khuôn miệng lém lỉnh, Ngọc tinh nghịch, thậm chí hay quậy phá. Không giờ học nào Ngọc ngồi yên. Nếu không lấy bút chọc vào tay bạn thì đưa chân ngáng các bạn hay nghịch sách vở của các bạn…
“Trong giờ học Âm nhạc, tôi mời em đứng dậy để trả lời kiến thức cũ. Em đã không trả lời lại còn nhún nhảy, lắc hông, đánh tay khi cô giáo vừa quay lưng lên bảng.
Vốn đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chưa có sự cải thiện, lần này, tôi nghiêm giọng hỏi: Minh Ngọc, em còn muốn học nữa không?
Đáp lại câu hỏi của tôi là một sự im lặng. Tôi hỏi đế lần thứ ba em mới lí nhí trả lời với đôi mắt ướt lệ: Thưa cô, em không biết học. Ở nhà không ai hướng dẫn em học. Mẹ em học ít nên không bày em được”, cô Trang nhớ lại.
Hình ảnh rưng rưng nước mắt và những câu nói của Ngọc ám ảnh cô giáo trẻ nhiều ngày sau đó. Cuối tuần, cô quyết định đến thăm nhà em. Ngôi nhà nhỏ nằm cuối con đường làng. Qua tìm hiểu cô Trang biết, gia đình Ngọc thuộc diện khó khăn, bố mẹ em không có nghề nghiệp ổn định. Từ nhỏ, Ngọc đã là một cậu bé tinh nghịch và có phần tăng động. Tuy biết con như vậy, nhưng gia đình em không có điều kiện chăm lo.
Từ câu chuyện của em, tôi quyết định đến trường nhờ tập thể giáo viên giúp đỡ, kèm cặp. Vậy là sau mỗi buổi học, các thầy cô bộ môn nán lại trường, dành thời gian dạy kèm cho Ngọc.
Em tiến bộ trông thấy. Chỉ sau 3 tuần, thái độ học tập của Ngọc được cải thiện, em chăm chỉ, tập trung, tích cực học. Em không trêu chọc bạn mà hay pha trò tạo nên nhiều trận cười sảng khoái trong lớp. Nhìn vào đôi mắt biết cười ngày hôm đó, thay cho những giọt nước mắt ngày hôm qua, tôi tin rằng với sự hướng dẫn, sự cố gắng nỗ lực của chính bản thân, em sẽ trở thành một học trò ngoan. Quả thật, qua một năm, Ngọc đã khẳng định được học lực của mình.
“Từ trường hợp của Minh Ngọc, tôi nhận thấy rằng không có học sinh nào là yếu, là hư có chăng là thầy cô chưa thực sự tâm huyết, chưa dành thời gian quan tâm, dạy dỗ, uốn nắn các em mà thôi”, cô Trang tâm sự.